Giỏ hàng 0-SP

Xoắn tinh hoàn

1. Triệu chứng của xoắn tinh hoàn

 

Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các biểu hiện như: đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn (do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn), kéo dài dưới 6 giờ; bìu sưng to; buồn nôn và nôn; đau bụng; phía tinh hoàn bị xoắn có thể ở vị trí cao hơn bình thường; đau tinh hoàn có thể đột ngột hết đau dù chưa điều trị do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn.

Xoắn tinh hoàn thực chất là xoắn thừng tinh (mạch máu ống dẫn tinh) dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi và tổn thương, hoại tử. Nếu để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.

2. Chẩn đoán xoắn tinh hoàn

 

Bác sĩ sẽ dựa vào:

  • Những triệu chứng lâm sàng: Tinh hoàn bên bị xoắn đau dữ dội và đột ngột, cao hơn bên bình thường, bìu bên xoắn to đau, mất phản xạ da bìu bên tinh hoàn bị xoắn (bằng kích thích nhẹ mặt trong đùi phía bên. Nếu bình thường thì tinh hoàn co lại, nếu bị xoắn tinh hoàn thì phản xạ này không xảy ra).
Chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng như: siêu âm Doppler màu có thể thấy hình ảnh thiếu máu nuôi tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh căng to, tổn thương do xoắn tinh hoàn, công thức máu. Chụp Scan phóng xạ để phát hiện lưu lượng máu đến tinh hoàn, phân biệt xoắn với các nguyên nhân khác với độ chính xác 90 - 100%.

3. Điều trị xoắn tinh hoàn như thế nào?

Thời gian vàng điều trị xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu can thiệp trước 6 giờ, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng từ 6-12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn. Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ bị xoắn tinh hoàn đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con.

Mổ xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn. Phẫu thuật được tiến hành như sau: đầu tiên bác sĩ sẽ rạch da bìu; sau đó tháo xoắn thừng tinh; khâu một hoặc cả hai tinh hoàn vào bìu để phòng trường hợp tinh hoàn bị xoay.

Tóm lại, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời. Vì vậy, bệnh nhân khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu, cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.