Giỏ hàng 0-SP

Viêm màng não do phế cầu

Bệnh viêm màng não do phế cầu là gì?

Viêm màng não là tình trạng nhiễm khuẩn trên lớp màng bảo vệ bao phủ não bộ và tủy sống. Viêm màng não do phế cầu là một trong các bệnh do phế cầu khuẩn gây nên, có tỉ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề.

Phân loại bệnh

Bệnh viêm màng não phế cầu được xác định dựa theo đường xâm nhập của vi khuẩn phế cầu vào màng não, bao gồm:

Vi khuẩn từ ổ viêm gần màng não, màng tuỷ xâm nhập vào, như ổ viêm tai, viêm xương chũm, viêm xương sọ, viêm xoang, viêm hốc mắt, viêm cơ dọc theo cột sống…, khuẩn phế cầu xâm nhập vào màng não qua tiếp cận hoặc qua đường bạch huyết.

Vi khuẩn từ một ổ viêm ở xa (như ổ đinh râu, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn tử cung, nhiễm khuẩn ruột, nhiễm khuẩn tiết niệu…) gây nhiễm khuẩn huyết và vi khuẩn vượt qua hàng rào mạch máu – màng não vào màng não.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vi khuẩn phế cầu gây ra hơn 50% các trường hợp viêm màng não do vi khuẩn ở Hoa Kỳ. Ước tính 2.000 trường hợp viêm màng não phế cầu xảy ra mỗi năm.

Viêm màng não do phế cầu khuẩn: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae)

Vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em, có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng mũi họng. Đây là tác nhân hàng đầu gây ra những bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, viêm màng não là bệnh khó phát hiện và nguy hiểm nhất.

Đường lây truyền

Vi khuẩn phế cầu phát triển thuận lợi vào mùa đông – xuân. Bệnh lan truyền nhiều nhất qua đường không khí và tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người. Các hành động như hắt hơi, ho, hôn hoặc trẻ em chơi chung đồ chơi đều tiềm ẩn nguy cơ phát tán vi khuẩn gây bệnh và lây nhiễm viêm màng não do phế cầu khuẩn.

Với những người khỏe mạnh, sức đề kháng cơ thể rất tốt nên vi khuẩn thường chỉ khu trú mà không gây bệnh. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, do sự đề kháng còn non nớt và chưa hoàn thiện, nên vi khuẩn phế cầu rất dễ tấn công và gây bệnh.

Thời gian ủ bệnh của viêm màng não do phế cầu

Viêm màng não do phế cầu phế có thời gian ủ bệnh thường trong vòng 1 tuần. Bệnh khởi phát cấp tính trong 1 – 2 ngày sau đó đến giai đoạn toàn phát.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là gì?

Bệnh lý phế cầu thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người lớn tuổi, đặc biệt là người già trên 85 tuổi.
Nguy cơ nhiễm vi khuẩn phế cầu và mắc bệnh lý nặng cũng cao hơn ở trẻ dưới 5 tuổi có các bệnh lý khác đi kèm, những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người có các bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, các bệnh lý về gan, phổi, thận và tim và những người hút thuốc lá.

Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết viêm màng não phế cầu

Bệnh có biểu hiện sốt cao, đau đầu, thường xuất hiện trong vòng một vài giờ hoặc từ 1 – 2 ngày. Ngoài ra, có thể xuất hiện các triệu chứng khác, bao gồm nôn mửa, nhạy cảm với ánh sáng, đau cứng cổ, ăn không ngon, rối loạn ý thức, bứt rứt, li bì, ngủ gà. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm màng não ở trẻ có thể để lại di chứng thần kinh.

Viêm màng não do phế cầu khuẩn: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Trẻ bị sốt cao có thể là dấu hiệu mắc bệnh viêm màng não do phế cầu

Các giai đoạn phát triển của bệnh

Màng não chứa đầy dịch não tủy – đây là nơi vi khuẩn có thể nhân lên và bắt đầu tiết ra chất độc, khiến màng não và mô não bị viêm tấy, sưng phồng. Điều này tạo áp lực lên não, khởi phát các triệu chứng như nhức đầu, cứng cổ, sợ ánh sáng. Trẻ trở nên khó chịu, quấy khóc, ngủ gà, thóp sưng phồng, sốt cao, thở không đều, nôn ói…

Với trẻ nhỏ, triệu chứng thường thấy là trẻ khóc đêm thường xuyên và bỏ bú kéo dài, sốt cao, tiêu chảy, nôn ói… rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hóa. Khi bệnh kịch phát, trẻ sẽ đau đầu dữ dội, co giật, thở gấp hay rối loạn tri giác. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê chỉ trong 48 giờ thậm chí tử vong, nếu sống cũng để lại di chứng sau điều trị như điếc, mù, động kinh, chậm phát triển thần kinh vận động, tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến trẻ kém phát triển hoặc yếu liệt chi hay nửa người…

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm màng não phế cầu

Hiện nay, các phương pháp được các bác sĩ dùng để chẩn đoán viêm màng não ở người lớn bao gồm:

  • Chọc dịch não tủy: Là phương pháp thực hiện tại bệnh phòng để lấy dịch não tủy xét nghiệm nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, tác nhân gây bệnh và sự nhạy cảm của vi sinh vật đối với các sản phẩm thuốc.
  • Xét nghiệm máu: Đây là việc cần thiết để đánh giá mức độ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, có thể cần phải cấy máu để xác định tác nhân gây bệnh
  • Xét nghiệm vật lý – chụp hình (CT, MRI): Đây là một trong những phương pháp chuẩn đoán hiện đại được sử dụng để chẩn đoán các biến chứng của viêm màng não ảnh hưởng đến não

Những biến chứng của bệnh viêm màng não do phế cầu

Viêm màng não là loại bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn nghiêm trọng nhất, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ với 83% trường hợp biến chứng thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi (Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế).

Hậu quả của viêm màng não do phế cầu rất trầm trọng. Căn bệnh này có thể dễ dàng cướp đi tính mạng của người bệnh với tỷ lệ tử vong khoảng 8% ở trẻ em và 22% ở người lớn, với những người sống sót thì di chứng thần kinh là rất phổ biến.

Trong số trẻ em dưới 5 tuổi bị viêm màng não do phế cầu khuẩn, khoảng 1 trong số 15 người chết vì nhiễm trùng. Khả năng tử vong do viêm màng não phế cầu khuẩn cao hơn ở những bệnh nhân cao tuổi. Những người khác có thể có vấn đề dài hạn, chẳng hạn như mất thính lực hoặc chậm phát triển.

Đặc biệt, tỉ lệ tử vong tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi do viêm màng não phế cầu là trên 50% trong tổng số ca mắc bệnh. Ngoài ra, trong số xấp xỉ 30 – 50% bệnh nhân giữ được tính mạng nhưng phải chịu đựng những di chứng lâu dài có thể gây tàn tật như: điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém, và bị chứng đau đầu kéo dài.

Đồng thời, Bộ y tế cũng cho biết: Vi khuẩn phế cầu không chỉ xâm nhập ở phổi, mà còn đi vào máu, não… làm nhiễm trùng máu và viêm não. 1/3 trẻ viêm màng não do nhiễm phế cầu khuẩn tử vong và 1/3 bị các di chứng như động kinh, liệt, điếc, rối loạn nhận thức…

Khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) trong giai đoạn 2001 – 2009 cho thấy 80% bệnh nhân viêm màng não là trẻ dưới 6 tuổi. Tỷ lệ lành bệnh hoàn toàn sau khi xuất viện chỉ 70%. Không chỉ vậy, có đến khoảng 21% trẻ sống sót sau viêm màng não bị mất thính lực. Một số hệ lụy lâu dài khác có thể kể đến như rối loạn khả năng học tập, sử dụng ngôn ngữ, di chuyển, thỉnh thoảng lên cơn co giật.

Từ những hậu quả kể trên có thể thấy vi khuẩn phế cầu không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe của trẻ mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành y tế.

Phương pháp điều trị viêm màng não do phế cầu

Thuốc kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng phế cầu khuẩn. Điều sáng lo ngại là vi khuẩn phế cầu đã nhanh chóng đã kháng nhiều loại kháng sinh thông thường và thậm chí đã xuất hiện đa kháng thuốc.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh tật kéo dài, bệnh nặng hơn, có nhiều biến chứng thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, chi phí điều trị viêm màng não do phế cầu thường rất cao do bệnh nhân phải dùng kháng sinh mạnh, hoặc phải phối hợp nhiều loại kháng sinh với nhau. Thời gian điều trị cũng vì thế mà phải kéo dài và khó khăn hơn.