Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn
Liên cầu khuẩn lợn có thể gây ra nhiều bệnh lý như xuất huyết, viêm phổi, viêm màng não, viêm khớp và viêm cơ tim,... Trong đó, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân.
1. Liên cầu khuẩn lợn là gì?
Streptococcus suis (liên cầu lợn) là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh trên người. Loại vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Ngoài ra, nó cũng tồn tại ở một số loài động vật khác như bò, dê, cừu, thậm chí là chó, mèo,... Streptococcus suis có khả năng sống tốt trong điều kiện ngoại cảnh. Cụ thể, nó có thể sống tới 6 tuần trong xác động vật ở điều kiện 10°C, 2 giờ ở điều kiện 50°C. Ở 0°C, loại vi khuẩn này có thể tồn tại tới 1 tháng trong bụi, trên 3 tháng trong phân.
Tuy nhiên, nó có thể bị tiêu diệt dễ dàng bởi thuốc tẩy. Liên cầu khuẩn lợn cũng nhạy cảm với nhiều loại kháng sinh nên các kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi trong dự phòng và điều trị loại vi khuẩn này.
Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua các vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín. Những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim. Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh khá thường gặp.
2. Tổng quan bệnh viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn
Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng lớp màng bao phủ não và tủy sống do liên cầu khuẩn lợn gây ra.
2.1 Triệu chứng lâm sàng
- Thời gian ủ bệnh: Thường khoảng 1 tuần sau khi bệnh nhân giết mổ, chế biến thịt lợn ốm/chết hoặc ăn thịt lợn chưa nấu chín (đặc biệt là thủ lợn và lòng lợn). Ngoài ra, không loại trừ trường hợp người bệnh phơi nhiễm với các loài gia súc khác như bò, dê,...;
- Giai đoạn khởi phát: Bệnh khởi phát cấp tính trong 1 - 2 ngày với triệu chứng sốt cao, kèm theo rét run, đau đầu, buồn nôn và nôn ói, chóng mặt. Nhiều trường hợp người bệnh bị đau mỏi các bắp thịt, đau ngoài da, có thể bị đau khớp. Có trường hợp bị đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng không nhầy máu;
- Giai đoạn toàn phát: Người bệnh đã xuất hiện hội chứng màng não rõ ràng như co cứng cơ (đặc biệt là cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê. Đi kèm là các triệu chứng thần kinh khu trú như giảm thính lực (thậm chí điếc nặng 2 tai), rối loạn điều khiển phối hợp tư thế - động tác, liệt thần kinh sọ não, run đầu chi,...;
- Triệu chứng khác: Suy thận cấp mức độ nhẹ, phát ban ngoài da (kiểu hồng ban lan rộng hoặc ban xuất huyết hoại tử), tắc mạch đầu chi, hoại tử khô đầu các ngón tay - ngón chân;
- Sau điều trị đặc hiệu, tình trạng sốt giảm dần rồi hết nhưng các triệu chứng thần kinh giảm đi khá chậm. Bệnh nhân có thể gặp di chứng giảm thính lực, rối loạn điều khiển phối hợp tư thế - động tác.
2.2 Xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu ngoại vi: Có sự gia tăng về số lượng bạch cầu và bạch cầu đa nhân trung tính. Nếu xét nghiệm ở đầu giai đoạn khởi phát hoặc với trường hợp bệnh nặng thì bạch cầu có thể không tăng. Các trường hợp nặng thường bị giảm tiểu cầu hoặc đi kèm các rối loạn đông máu khác. Tăng nhẹ men gan ALT và AST, tăng nhẹ ure và creatinin. Có thể có protein niệu trong nước tiểu;
- Soi dịch não tủy có thể phát hiện hình ảnh cầu khuẩn Gram dương xếp thành đôi hoặc xếp thành chuỗi;
- Dịch não tủy: Đục, tăng áp lực dịch não tủy. Khi xét nghiệm sinh hóa dịch não tủy cho thấy protein tăng, glucose giảm. Khi xét nghiệm tế bào thấy tăng số lượng tế bào trong dịch não tủy, tăng bạch cầu trung tính;
- Nuôi cấy máy và dịch não tủy: Thấy có mọc vi khuẩn Streptococcus suis, thường là tuýp 2.
2.3 Biến chứng của bệnh
- Viêm cốt tủy, viêm cột sống, viêm đĩa đệm;
- Áp xe ngoài màng cứng;
- Đi kèm viêm màng não mủ là viêm mủ nội nhãn, viêm khớp;
- Chóng mặt và suy giảm thính lực có thể trở thành di chứng của bệnh.
2.4 Phương pháp điều trị
Viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn lợn có diễn tiến rất nhanh, cần phải điều trị kháng sinh kịp thời để nâng cao cơ hội phục hồi của bệnh nhân. Việc trì hoãn điều trị có thể làm tăng nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí dẫn tới tử vong. Phương pháp điều trị cho bệnh nhân gồm:
Điều trị đặc hiệu
- Sử dụng kháng sinh: Ampicillin, Penicillin G, các Cephalosporin thế hệ III,... Liều dùng ban đầu có thể là: Tiêm tĩnh mạch Ampicillin 2g/lần, cách 4 giờ/lần (đối với trẻ em dùng liều 200mg/kg/24 giờ); có thể kết hợp hoặc sử dụng riêng lẻ tiêm hoặc truyền tĩnh mạch Ceftriaxon 2g/lần, cách 12 giờ/lần (đối với trẻ em dùng liều 100mg/kg/24 giờ);
- Sau 2 - 3 ngày cần chọc dò dịch não tủy để đánh giá đáp ứng điều trị, sau đó điều chỉnh kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ và việc đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân;
- Sử dụng kháng sinh cho tới khi xét nghiệm dịch não tủy trở về bình thường (hoặc khi đủ 3 tuần).
Điều trị hỗ trợ
- Hỗ trợ hô hấp: Trường hợp bị hôn mê cần đặt ống nội khí quản sớm để bảo vệ đường thở, có thể cho thở máy khi cần thiết;
- Chống co giật: Sử dụng Diazepam 0,1 mg/kg/lần tiêm tĩnh mạch, với trẻ em có thể thụt hậu môn. Sau 15 phút nếu vẫn còn co giật thì tiếp tục sử dụng nhắc lại;
- Chống phù não: Sử dụng Mannitol 20% 0,5 -1 g/kg truyền tĩnh mạch 20 - 30 phút, nhắc lại sau 6 giờ, đồng thời theo dõi sát các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân;
- Chống viêm: Sử dụng Methylprednisolon 0,5 - 1 mg/kg/24 giờ trước khi dùng kháng sinh.
2.5 Theo dõi sức khỏe và chăm sóc bệnh nhân
Theo dõi sức khỏe
- Các trường hợp viêm màng não nặng cần theo dõi điều trị tại buồng cấp cứu;
- Theo dõi tri giác của người bệnh;
- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn gồm nhịp thở, SpO2, mạch, nhiệt độ, huyết áp, nước tiểu;
- Theo dõi tình trạng xuất huyết nội tạng và niêm mạc;
- Theo dõi các dấu hiệu tăng áp lực nội sọ như đau đầu, nôn vọt, mạch chậm, tăng huyết áp, đồng tử co giãn bất thường,...
Chăm sóc sức khỏe
- Tư thế người bệnh: Để đầu cao 30°;
- Hô hấp: Nếu có chỉ định thì cho bệnh nhân thở oxy, đồng thời hút đờm dãi đảm bảo thông đường thở cho người bệnh;
- Dinh dưỡng: Với người bệnh không ăn được thì cần chủ động cho ăn qua ống thông dạ dày, đảm bảo đủ năng lượng và cân đối các vi chất cần thiết;
- Vệ sinh cẩn thận, thay đổi tư thế nằm để chống loét, vận động trị liệu hợp lý.
Người bệnh được cho ra viện nếu không còn biểu hiện sốc, nhiễm trùng và viêm màng não; hết sốt được 3 ngày và các xét nghiệm máu ngoại vi trở về chỉ số bình thường.
2.6 Biện pháp phòng bệnh
- Kiểm soát vi khuẩn Streptococcus suis trên lợn, phòng chống dịch bệnh trên lợn;
- Kiểm soát việc chăn nuôi và giết mổ lợn để bệnh không truyền sang người;
- Không tiếp xúc trực tiếp với lợn bị ốm, chết. Nếu phải xử lý lợn bị ốm, chết cần phải sử dụng trang bị phòng hộ như găng tay, ủng, khẩu trang y tế,...;
- Không giết mổ, ăn thịt lợn bị ốm, chết hoặc lợn không rõ nguồn gốc;
- Nên mua thịt lợn đã qua kiểm định, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, phù nề hoặc xuất huyết;
- Bảo quản các dụng cụ chế biến thịt lợn ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và dụng cụ sau khi tiếp xúc với thịt lợn, dùng riêng dụng cụ chế biến thịt sống và chín;
- Chỉ ăn thịt lợn đã được chế biến chín hoàn toàn. Không ăn thịt lợn chưa làm chín như thịt tái, lòng lợn, nội tạng được chần, tiết canh, nem chua,...
Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn là bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cần chú ý tới việc ăn chín, uống sôi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu để tránh nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.