Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là gì?
Viêm loét dạ dày xảy ra khi vi khuẩn HP xâm nhập vào dạ dày và lượng axit dạ dày bị dư thừa làm cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương, lâu ngày gây viêm loét. Tùy vào vị trí tổn thương mà có tên gọi như viêm dạ dày tá tràng, viêm bờ cong nhỏ, loét dạ dày, viêm tâm vị…
Bệnh trải qua 2 giai đoạn:
- Ở giai đoạn cấp, các triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện đột ngột và diễn tiến rất nhanh. Tuy nhiên, viêm loét dạ dày cấp thường không để lại di chứng hoặc để lại rất ít và hoàn toàn có thể chữa khỏi được.
- Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng bệnh kéo dài, diễn tiến chậm nhưng điều trị lại khó khăn và khó có thể triệt để, dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nam giới, người ở độ tuổi từ 30 – 50 tuổi. Bởi lẽ nhóm người này thường chủ quan không chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe của mình.
Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày
Việc xác định được chính xác nguyên nhân nào gây bệnh sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có rất nhiều, dưới đây là những lý do phổ biến hiện nay:
- Do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Đây là nguyên nhân chính chiếm đến 50%. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này, dạ dày sẽ bị kích thích bài tiết ra nhiều dịch vị, hoạt động co bóp của dạ dày cũng bị rối loạn và gây viêm loét dạ dày…
- Lạm dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau: Chiếm 20 – 25% nguyên nhân gây bệnh. Những loại thuốc này làm cho bức tường rào bảo vệ niêm mạc dạ dày bị bào mòn, tạo điều kiện thuận lợi để axit dạ dày xâm lấn và dần ăn mòn niêm mạc dạ dày.
- Thói quen ăn uống không hợp lý, thiếu khoa học như ăn uống không đúng giờ, ăn quá no hoặc để bụng quá đói, bỏ bữa, ăn quá nhanh, ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ…
- Bị stress, áp lực trong thời gian dài làm chức năng đường ruột, dạ dày rối loạn, kích thích sản sinh axit hydrochloric, pepsin gây tổn thương niêm mạc dạ dày, co thắt dạ dày…
- Do bệnh lý: Viêm loét dạ dày cấp có thể xuất hiện sau khi bị một số bệnh lý như viêm phổi, viêm phế quản, bệnh bạch cầu, xơ gan, suy thận…
- Uống nhiều rượu: Uống nhiều rượu khiến niêm mạc dạ dày bị ăn mòn, dạ dày cũng tiết nhiều axit dịch vị và hoạt động của dạ dày cũng bị rối loạn. Bên cạnh đó, các cơ quan tiêu hóa như gan, mật và tuyến tụy cũng bị làm tăng áp lực khi uống quá nhiều rượu.
- Do di truyền: Những người trong gia đình có tiền sử hoặc đang có người mắc bệnh viêm loét dạ dày và có nhóm máu O có nguy cơ cao mắc bệnh hơn người bình thường.
- Nguyên nhân khác: Do hút thuốc lá, rối loạn tự miễn, dị ứng thức ăn, cơ năng thần kinh thực vật bị rối loạn…
Triệu chứng viêm loét dạ dày
Dấu hiệu nhận biết viêm loét dạ dày có nhiều, điển hình là các triệu chứng sau:
Rối loạn tiêu hóa
Người bệnh thường cảm thấy bị chướng hơi, bị khó khăn khi đại tiện, thỉnh thoảng là cơn đau dọc khung đại tràng
Đau bụng
Vị trí viêm loét dạ dày ở đâu thì vị trí đau bụng và tính chất cơn đau sẽ tương ứng với nhau.
- Nếu đau bụng ngay khi ăn xong hoặc ăn xong khoảng 15 – 60 phút: Vết viêm loét ở bờ cong nhỏ hoặc tâm vị dạ dày
- Nếu đau bụng sau ăn khoảng 2 – 3 tiếng: Vết viêm loét ở vùng hang vị dạ dày
- Đau bụng ở vùng thượng vị, chếch sang bên trái, có thể kéo ngược lên ngực (dễ nhầm với co thắt tại động mạch vành): Vị trí vết viêm loét là ở mặt sau hoặc tâm vị dạ dày
Bên cạnh đó, khi đang bị đau bụng, ấn tay vào vùng bị đau thì sẽ thấy cơn đau tăng lên. Ngoài ra, đây còn là triệu chứng của bệnh đau dạ dày.
Buồn nôn, nôn ói
Buồn nôn, nôn ói ra đồ ăn là một trong những triệu chứng viêm loét dạ dày mà người bệnh có thể gặp phải. Nếu như thức ăn cũ bị nôn ra thì cần phải đến bệnh viện thăm khám để xác định xem có bị hẹp môn vị.
Sau khi người bệnh bổ sung thêm thức ăn, thậm chí cả trước khi ăn, triệu chứng buồn nôn, nôn ói ngày càng tăng.
Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng
Triệu chứng ợ chua, ợ hơi, ợ nóng là triệu chứng phổ biến dễ gặp ở người bị viêm loét dạ dày, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Một số trường hợp dịch axit dạ dày ợ lên vùng hầu họng làm kích thích cổ họng gây đau rát, ho kéo dài khó chịu, ho nhiều hơn về ban đêm khi nằm ngủ.
Chảy máu dạ dày
Bệnh tiến triển nặng, các ổ viêm loét tiến triển nhanh, ăn mòn thành dạ dày, mạch máu sẽ gây xuất huyết dạ dày. Bên cạnh đó, triệu chứng chảy máu dạ dày cũng có thể do người bệnh uống rượu hoặc do nôn ói nhiều…
Các triệu chứng bệnh viêm loét dạ dày dễ dàng nhận biết, vì thế mỗi người nên chú ý đến tình trạng sức khỏe để phát hiện sớm, thăm khám kịp thời.
Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và không gây biến chứng khi ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, viêm loét dạ dày ở giai đoạn mãn tính thì việc điều trị khó khăn, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Những biến chứng nguy hiểm như:
- Hẹp môn vị
- Xuất huyết tiêu hóa: Biến chứng dễ xảy ra nhất
- Thủng dạ dày tá tràng
- U ác tính tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày
Bên cạnh đó, viêm loét dạ dày còn khiến cơ thể bị suy nhược, hiệu suất học tập, làm việc bị suy giảm, chất lượng cuộc sống cũng bị giảm…
Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng
Để điều trị bệnh hiệu quả cần chẩn đoán được chính xác bệnh. Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh lý, tiền sử bệnh của gia đình, thuốc đang sử dụng hoặc lịch sử dùng thuốc và thực hiện khám lâm sàng. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Nội soi: Quan sát niêm mạc dạ dày tá tràng, sinh thiết mô để quan sát mô bệnh học nhằm phát hiện nguy cơ ung thư dạ dày
- Xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm máu: Xác định xem có vi khuẩn HP không, đồng thời phát hiện được biến chứng dạ dày phổ biến (xuất huyết dạ dày). Nếu nguyên nhân gây bệnh do bị nhiễm trùng thì xét nghiệm máu sẽ cho kết quả số lượng kháng thể và bạch cầu tăng nhiều
- Chụp X-quang: Xác định ổ viêm loét dạ dày và loại trừ u ở đường tiêu hóa
- Xét nghiệm chẩn đoán khác nếu không có dấu hiệu điển hình