Viêm kết mạc cấp tính
Viêm kết mạc cấp tính hay đau mắt đỏ là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng kết mạc làm mí mắt bị sưng và che phủ nhãn cầu. Mặc dù viêm kết mạc có thể gây khó chịu, nhưng hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực của bạn. Phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt sự khó chịu của bệnh. Do viêm kết mạc có thể lây nhiễm nên việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp hạn chế sự lây lan của bệnh.
1. Viêm kết mạc cấp tính là gì?
Viêm kết mạc cấp tính hay còn được gọi là đau mắt đỏ, là tình trạng kết mạc bị viêm. Viêm kết mạc xảy ra do virus, vi khuẩn nên có khả năng lây lan cao thậm chí bùng phát thành dịch. Con đường lây nhiễm viêm kết mạc chủ yếu là tiếp xúc trực tiếp với ghèn, gỉ mắt của người bệnh hay dịch tiết ở mắt, qua các vật dụng trung gian như khăn mặt, kính, chậu rửa mặt...
Bệnh cũng lây qua đường hơi thở và đường nước bọt như khi nói chuyện gần, ho, hôn... Do vậy, cần cách ly người bệnh đau mắt đỏ và có các biện pháp dự phòng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm như đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng sát khuẩn, không dùng chung các vật dụng cá nhân...
2. Nguyên nhân của viêm kết mạc cấp tính
- Do virus: Các chủng virus là nguyên nhân phổ biến nhất và là dạng dễ lây lan nhất. Phần lớn các trường hợp đều ảnh hưởng đến cả hai mắt. Người bệnh có cảm giác như có vật gì lọt vào mắt gây chảy nước mắt, chảy mủ, đỏ mắt và sưng mí mắt.
- Do vi khuẩn: Các chủng vi khuẩn thường lây nhiễm một mắt nhưng có thể xuất hiện ở cả hai. Mắt của bạn sẽ tiết ra nhiều mủ và chất nhầy. Người bệnh bị đau nhức mí mắt kèm theo một ít mủ. Mắt trông có vẻ bình thường hoặc hơi đỏ.
- Do dị ứng: Các loại dị ứng gây ra chảy nước mắt, ngứa và đỏ ở cả hai mắt. Bạn cũng có thể bị ngứa, sổ mũi. Nguyên nhân không được rõ, nhưng bệnh thường xuất hiện ở những người bị bệnh hen và bệnh chàm hoặc những người bị dị ứng kéo dài. Người bệnh cảm thấy ngứa lặp đi lặp lại, có mủ đặc quánh, nhạy cảm với ánh sáng, thị lực mờ đục và mắt đổi màu. Cần chữa trị theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
- Viêm kết mạc sơ sinh: là bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Nguyên nhân viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh rất khó xác định vì trong nhiều trường hợp, các triệu chứng không khác nhau.Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh có thể được gây ra bởi tắc tuyến lệ, nhiễm trùng hay bị kích ứng khi dùng kháng sinh nhỏ mắt lúc mới sinh để phòng ngừa một số bệnh từ đường sinh dục mẹ lây qua con.
- Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ: do có liên quan đến việc sử dụng lâu dài kính áp tròng hoặc sử dụng mi mắt nhân tạo gây tổn thương dạng nhú to ở mi mắt.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm kết mạc cấp tính
Triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm, nhưng có thể chẩn đoán viêm kết mạc cấp tính qua những triệu chứng sau:
- Đỏ củng mạc hoặc mí mắt trong
- Kết mạc bị sưng
- Nước mắt nhiều hơn bình thường
- Chất dịch màu vàng đặc chảy ra trên lông mi, đặc biệt là sau khi ngủ. Nó có thể làm cho mí mắt của bạn khó mở mắt khi thức dậy.
- Chất dịch màu xanh lá cây hoặc màu trắng từ mắt
- Ngứa mắt
- Cay mắt
- Nhìn mờ
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng
- Hạch bạch huyết sưng (thường do nhiễm virus)
Cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa Mắt trong các trường hợp:
- Có rất nhiều dịch tiết màu vàng hoặc màu xanh lá cây từ mắt của bạn, hoặc nếu mí mắt của bạn bị dính vào nhau lúc buổi sáng ngủ dậy
- Bạn bị đau dữ dội khi nhìn vào đèn sáng
- Tầm nhìn của bạn bị ảnh hưởng bởi bệnh viêm kết mạc cấp tính
- Bạn bị sốt cao, run rẩy, đau mặt hoặc giảm thị lực.
Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, vì nó có thể gây ảnh hưởng vĩnh viễn cho thị lực của trẻ. Nếu các triệu chứng viêm kết mạc của bạn vẫn ở mức độ nhẹ nhưng tình trạng đỏ không cải thiện trong vòng 2 tuần, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa.
4. Chẩn đoán viêm kết mạc cấp tính
Người bệnh không nên nghĩ rằng tất cả các triệu chứng đau mắt đỏ, bị kích thích hoặc sưng là viêm kết mạc. Các triệu chứng của bạn cũng có thể được gây ra bởi dị ứng theo mùa, chắp lẹo, viêm mống mắt hoặc viêm bờ mi, đây đều là những nguyên nhân không truyền nhiễm.
Bác sĩ nhãn khoa sẽ hỏi bạn về các triệu chứng của bạn, kiểm tra mắt và có thể sử dụng tăm bông để lấy một ít chất lỏng từ mí mắt của bạn để kiểm tra trong phòng xét nghiệm. Điều đó sẽ giúp tìm ra vi khuẩn hoặc virus có thể gây viêm kết mạc, bao gồm cả những vi khuẩn có thể gây bệnh lây truyền qua đường tình dục. Sau đó bác sĩ có thể kê đơn điều trị đúng vào tác nhân gây bệnh.
Nếu bác sĩ nói với bạn rằng bạn bị viêm kết mạc cấp tính, bạn có thể hỏi những câu hỏi sau:
- Bệnh đau mắt đỏ của tôi có lây không?
- Nếu nó truyền nhiễm, làm thế nào để tôi tránh lây lan nó?
- Tôi có cần ở nhà đi làm hoặc đi học không?
5. Điều trị bệnh viêm kết mạc cấp tính
Điều trị viêm kết mạc thường tập trung vào giảm triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng nước mắt nhân tạo, làm sạch mí mắt bằng khăn ướt và chườm lạnh hoặc chườm ấm nhiều lần mỗi ngày.
Nếu bạn đeo kính áp tròng, bạn sẽ được khuyên ngừng đeo chúng cho đến khi khỏi hẳn. Bác sĩ của bạn có thể sẽ khuyên bạn nên vứt bỏ kính áp tròng mà bạn đã đeo nếu kính của bạn là loại dùng một lần.
Vì viêm kết mạc thường là do virus, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng và thậm chí có thể gây hại bằng cách giảm hiệu quả của chúng trong tương lai hoặc gây ra phản ứng thuốc. Thay vào đó, virus cần thời gian để biến mất - tối đa hai hoặc ba tuần.
Nếu các chất gây dị ứng là nguồn kích thích dẫn đến viêm kết mạc dị ứng, bác sĩ có thể kê toa gồm nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau cho những người bị dị ứng. Chúng có thể bao gồm các loại thuốc giúp kiểm soát các phản ứng dị ứng, như thuốc kháng histamine và chất ổn định tế bào mast hoặc các loại thuốc giúp kiểm soát tình trạng viêm, như thuốc thông mũi, steroid và thuốc chống viêm. Thuốc nhỏ mắt không kê đơn có chứa thuốc kháng histamine và thuốc chống viêm cũng có thể có hiệu quả. Bạn cũng có thể giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng bằng cách tránh mọi nguyên nhân gây dị ứng.