Giỏ hàng 0-SP

Uốn ván

Bệnh uốn ván là gì?

Uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.

Các bào tử của vi khuẩn uốn ván sống trong đất, đất bón phân, đặc biệt là phân ngựa. Nhiễm khuẩn sẽ xảy ra khi bào tử của vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể thông qua các thương tổn trên da hoặc vết thương. Bệnh có thể gặp bất kỳ thời gian nào trong năm, không mang tính chất mùa rõ rệt.

Các độc tố (chất độc) do vi khuẩn Clostridium tetani tiết ra sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng co thắt cơ, đau và các vấn đề về thở.

Bệnh uốn ván là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, đặc biệt ở những vùng nông thôn và vùng nhiệt đới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới trong những năm cuối của thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết do uốn ván sơ sinh rất cao, có thể lên tới trên 80% tổng số trường hợp mắc, nhất là những ca có thời gian ủ bệnh ngắn. Tỷ lệ chết do uốn ván nói chung có thể dao động từ 10 – 90% tổng số trường hợp mắc, cao nhất ở trẻ nhỏ và người có tuổi.

Tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ ở độ tuổi sinh nở là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván sơ sinh cho cả mẹ và con. Sau khi tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc uốn ván sơ sinh, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ.

Nguyên nhân và phương thức lây truyền bệnh uốn ván

Thông thường nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết cắn của động vật, vết bỏng, vết thương dập nát, gãy xương phức tạp (gãy xương hở), vết thương nhẹ (chẳng hạn như đinh sắt bị rỉ hoặc gai đâm), hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn…

Có một số trường hợp khác mắc uốn ván do liên quan đến bệnh lý nội khoa như vết thương viêm tai giữa, chảy mủ tai, chàm da mạn tính, sâu răng, vết thương lâu lành, vết loét lâu lành như bàn chân tiểu đường, vết loét ung thư vú…

Đôi khi có trường hợp thai phụ mắc bệnh uốn ván sau phẫu thuật nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh.

Trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván sơ sinh là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván.

Triệu chứng bệnh uốn ván

Các triệu chứng của bệnh uốn ván được biểu hiện là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh vẫn bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu sau sinh (bệnh xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau khi sinh) sau đó không bú được, co giật. Hầu hết trẻ đã nhiễm bệnh thường tử vong.

Diễn tiến bệnh

Thời gian ủ bệnh thường trong khoảng 3 đến 10 ngày nhưng cũng có thể tới 3 tuần. Thời gian ủ bệnh càng ngắn thì nguy cơ tử vong càng cao. Ban đầu người bệnh sẽ có những cơn co cứng cơ và đau dữ dội, thường bắt đầu ở hàm và sau đó từ từ tiến tới phần còn lại của cơ thể, kéo dài vài phút, thường được biểu hiện như:

  • Co cứng cơ nhai và các cơ ở mặt làm cho bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn”.
  • Co cứng cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương.
  • Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên, gập người ra phía trước.
    Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
  • Đối với những trẻ bị uốn ván sơ sinh sẽ có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, miệng chúm chím, trẻ đói nhưng không bú được nên càng khóc, lúc này nếu đè lưỡi ấn xuống thì thấy phản ứng lại (dấu hiệu cứng hàm). Sau đó trẻ có những cơn co giật và co cứng, uốn cong người, đầu ngả ra sau, hay tay khép chặt kèm theo sốt, rối loạn tiêu hóa.
  • Những cơn co thắt này có thể nghiêm trọng đến nỗi khiến trẻ co gồng đến gãy xương. Trẻ bị bệnh uốn ván cũng có thể bị sốt, đổ mồ hôi, nhức đầu, khó nuốt, cao huyết áp và nhịp tim nhanh, gấp.
  • Các biến chứng của bệnh uốn ván

    Nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

    • Gãy xương: thông thường sẽ bị co thắt cơ hoặc co giật nhưng trường hợp nặng có thể bị gãy xương.
    • Viêm phổi: Nếu hít vào dịch tiết của dạ dày sẽ bị nhiễm trùng hô hấp dần dần phát triển thành viêm phổi.
    • Co thắt thanh quản: gây khó thở, ngạt thở
    • Động kinh: Nếu nhiễm trùng lan đến não, người bị uốn ván có thể gặp phải tình trạng tương tự như động kinh.
    • Thuyên tắc phổi: Một mạch máu trong phổi có thể bị tắc nghẽn và ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân cần điều trị bằng oxy và thuốc chống đông máu.
    • Suy thận nặng (suy thận cấp): Co thắt cơ nghiêm trọng có thể dẫn đến sự phá hủy cơ xương khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu gây suy thận nặng.

    Cách phòng ngừa bệnh uốn ván

    Chi phí điều trị ở bệnh nhân uốn ván khá tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể từ 2 tuần đến 3, 4 tháng điều trị. Theo thống kê, các trường hợp uốn ván nhẹ chưa cần can thiệp thở máy chi phí 20-50 triệu đồng, còn trường hợp thở máy và biến chứng liên quan bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, gan, thận, chi phí có thể lên đến 200-300 triệu đồng mà vẫn không thể cam kết hiệu quả điều trị.

    Theo ThS.BS. Nguyễn Hiền Minh – Phó Giám đốc Y khoa Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC khuyến cáo: khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm. Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…

Các bệnh liên quan