Giỏ hàng 0-SP

Ung thư ruột già

1. Ung thư ruột già là bệnh gì?

 

Ung thư ruột già, hay còn gọi là ung thư đại trực tràng, là tình trạng các tế bào bất thường xuất hiện và phát triển ở niêm mạc ruột già, đại tràng hoặc trực tràng. Cả nam giới và phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Theo số liệu khảo sát ở Mỹ, ung thư ruột già là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai trong số các bệnh do ung thư tại quốc gia này. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm, các bác sĩ có thể chữa khỏi căn bệnh ung thư đại trực tràng.

2. Định nghĩa Polyp đại trực tràng

 

Polyp đại trực tràng là những tổn thương, có dạng như khối u lành tính tăng trưởng bên trong ruột già. Hầu hết các polyp đều vô hại, nhưng chúng cũng có thể trở thành ung thư đại trực tràng nếu không được loại bỏ sớm. Có hai loại polyp ruột già phổ biến là polyp tuyến (adenomas) và polyp tăng sản. Những phát triển bất thường ở niêm mạc đại tràng là nguyên nhân hình thành polyp.

3. Nguy cơ mắc bệnh tự nhiên

 

Những nguyên nhân góp phần gây ra ung thư ruột già mà bệnh nhân không thể kiểm soát được bao gồm:

  • Độ tuổi: Hầu hết người mắc bệnh ung thư ruột già đều trên 50 tuổi.
  • Tiền sử bệnh án: Bệnh nhân đã mắc polyp đại trực tràng hoặc bị viêm ruột từ trước.
  • Tiền sử gia đình: Có người thân trong nhà bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại tràng tiền ung thư.
Nguyên nhân mắc bệnh ung thư ruột già
Sử dụng nhiều thực phẩm được chế biến sẵn là nguyên nhân mắc bệnh ung thư ruột già

4. Nguy cơ mắc bệnh do lối sống

 

Tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn đối với những người:

  • Ăn nhiều thịt đỏ nấu chín ở nhiệt độ cao hoặc được chế biến sẵn (đồ đóng hộp)
  • Béo phì, có quá nhiều mỡ bụng
  • Không tập thể dục thường xuyên
  • Hút thuốc lá
  • Nghiện rượu nặng

5. Triệu chứng của ung thư ruột già

 

Cần lưu ý rằng biểu hiện ung thư ruột già ở giai đoạn ban đầu thường khá mờ nhạt. Vì vậy nếu muốn phát hiện sớm để dễ dàng chữa trị hơn, điều quan trọng mà bệnh nhân cần làm là phải đến bệnh viện kiểm tra. Khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn, lúc này có thể xuất hiện các dấu hiệu như: có máu trong phân, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân và mệt mỏi. Các triệu chứng trên đồng nghĩa với việc khối u đại trực tràng đã khá lớn và khó điều trị hơn rất nhiều.

6. Xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng

 

Như đã đề cập ở trên, xét nghiệm sàng lọc là chìa khóa để được chẩn đoán bệnh sớm. Các bác sĩ khuyến cáo rằng, người trung niên trên 45 tuổi nên tiến hành nội soi đại tràng cứ 10 năm một lần. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách dùng một ống có gắn camera nhỏ để quan sát toàn bộ đại tràng và trực tràng, giúp phát hiện sớm các khối u nếu có. Bác sĩ sẽ loại bỏ các polyp để ngăn ngừa căn bệnh ung thư ruột già.

7. Chụp CT đại tràng (nội soi ruột ảo)

 

Đây là biện pháp chụp cắt lớp vi tính, gọi tắt là chụp CT, cho ra hình ảnh 3D phần ruột già để phát hiện các polyp hoặc những vấn đề bất thường khác. Ưu điểm của thủ thuật này là không cần đặt camera vào trong cơ thể người bệnh. Ngược lại, nhược điểm chính của chụp CT đại tràng là có thể bỏ sót các polyp nhỏ. Hơn nữa, nếu nhìn thấy một vài bất thường qua hình ảnh ruột già, bệnh nhân sẽ vẫn cần nội soi thực sự. Đối với phương pháp nội soi đại tràng ảo này, lời khuyên là bạn nên thực hiện 5 năm một lần.

8. Soi đại tràng sigma linh hoạt

 

Đây là một dạng xét nghiệm khác có thể lựa chọn thay thế phương pháp nội soi thông thường. Tương tự, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mảnh có đèn và camera để nhìn vào bên trong trực tràng và phần dưới cùng của đại tràng. Thủ thuật này giúp tìm ra các polyp cũng như tế bào ung thư. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân cứ mỗi 5 năm thì nên thực hiện soi đại tràng sigma linh hoạt.

9. Xét nghiệm máu trong phân

Xét nghiệm máu ẩn trong phân và xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT) nhằm xác định có máu trong phân hay không, vì đây là một trong những biểu hiện ung thư ruột già. Bạn sẽ được yêu cầu cung cấp tối đa ba mẫu phân nhỏ tùy thuộc mỗi loại xét nghiệm. Nếu trong mẫu phân xét nghiệm có phát hiện máu, cần phải tiếp tục tiến hành nội soi. Chu kỳ khuyến nghị cho xét nghiệm máu trong phân là một năm.

10. Cologuard - Xét nghiệm DNA trong phân

 

Cologuard là tên của một loại xét nghiệm mới nhằm tìm ra máu hoặc DNA bất thường có trong mẫu phân của bệnh nhân. Đây là một dạng xét nghiệm hỗ trợ phát hiện ung thư ruột già rất chính xác. Tuy nhiên Cologuard không thể hoàn toàn thay thế vai trò của nội soi và vẫn cần theo dõi bằng nội soi nếu có vấn đề không bình thường. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên nên cân nhắc xét nghiệm DNA trong phân 3 năm một lần.

11. Sinh thiết ruột già

Nếu phát hiện ra khối u sau thi tiến hành các xét nghiệm trên, bước tiếp theo phải làm chính là sinh thiết. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy ra những polyp và mẫu mô có vẻ đáng ngờ từ bất kỳ phần nào của đại tràng. Các mô này sau đó được nghiên cứu dưới kính hiển vi để xác định xem liệu có phải là khối u ung thư hay không.

Tế bào ung thư ruột kết
Hình ảnh minh họa tế bào ung thư ruột kết.

12. Các giai đoạn của ung thư ruột già

 

Định nghĩa "giai đoạn" được các chuyên gia dùng để mô tả mức độ lan rộng của căn bệnh ung thư. Giai đoạn càng cao đồng nghĩa với tình trạng ung thư càng nghiêm trọng. Trong khi đó, kích thước khối u không phải lúc nào cũng phản ánh đúng tình trạng bệnh. Bác sĩ cũng dễ đưa quyết định chọn biện pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân tùy thuộc vào mỗi giai đoạn khác nhau.

Có 5 giai đoạn phát triển của bệnh ung thư ruột già:

  • Giai đoạn 0: Ung thư chỉ mới xuất hiện và nằm trong lớp lót trong cùng của đại tràng hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn I: Tế bào đã phát triển ở trong thành niêm mạc của đại tràng hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn II: Khối u ung thư xâm chiếm lên trên lớp thành ngoài cùng của đại tràng hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn III: Tiến vào bạch huyết và lan đến một hoặc nhiều hạch trong khu vực.
  • Giai đoạn IV: Tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan, phổi hoặc xương.

13. Tỷ lệ sống sót

Triển vọng phục hồi của bệnh nhân phụ thuộc vào giai đoạn lúc phát hiện ra ung thư. Có khoảng 87% đến 92% người bệnh sống được ít nhất 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn I. Tuy nhiên, số liệu thống kê trên chỉ mang tính chất tham khảo và không phản ánh được tính chính xác cho tất cả trường hợp mắc bệnh. Tỷ lệ khỏi bệnh và thời gian sống sót của bệnh nhân ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, do đó cần phối hợp chặt chẽ và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ là điều mà bệnh nhân nên làm song song với giữ vững tinh thần lạc quan.

14. Tác dụng của phẫu thuật

 

Phẫu thuật có khả năng chữa khỏi bệnh rất cao nếu được thực hiện trong giai đoạn đầu của ung thư đại trực tràng. Các bác sĩ sẽ loại bỏ các khối u và mô xung quanh đoạn ruột bị ung thư, nhưng nếu chúng quá lớn thì có thể cần phải lấy ra cả đoạn đại tràng hoặc trực tràng mắc bệnh. Ở giai đoạn cuối, khi khối u đã di căn đến gan, phổi hoặc các cơ quan khác thì phẫu thuật sẽ không còn tác dụng hay hiệu quả chữa bệnh.

15. Khi nào cần đến xạ trị và hóa trị

 

Một số ít trường hợp vẫn có thể chữa khỏi ung thư ruột già, ngay cả khi khối u đã lan đến bạch huyết ở giai đoạn III. Biện pháp điều trị có thể lựa chọn lúc này bao gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên nếu bệnh lại tái phát và di căn sang các cơ quan khác thì rất khó có khả năng chữa khỏi. Nói cho cùng thì xạ trị và hóa trị vẫn có thể làm giảm bớt các triệu chứng đau đớn và giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống chung với ung thư.

16. Hóa trị có khiến cho cơ thể bệnh nhân khó chịu?

 

Bạn có thể yên tâm với các loại hóa trị thế hệ mới hiện nay vì chúng ít có khả năng khiến người bệnh mệt mỏi hơn. Ngoài ra một số loại thuốc còn có thể giúp bệnh nhân kiểm soát cơn buồn nôn.

Hóa trị điều trị ung thư ruột già
Thuốc hóa trị thế hệ mới có nhiều cải tiến trong hạn chế tác dụng phụ.

17. Đốt sóng cao tần RFA

 

Đặc điểm của cách điều trị này là sử dụng nhiệt độ cao để đốt cháy các khối u. Thông qua hình ảnh chụp CT, bác sĩ sẽ chèn một thiết bị có dạng giống như kim vào khối u và khu vực xung quanh để đốt. Đốt sóng cao tần RFA có thể tiêu diệt được những khối u mà phẫu thuật không thể cắt bỏ được, ví dụ như khối u nằm trong gan. Phương pháp này có thể kết hợp song song cùng với hóa trị.

18. Thói quen sống giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

 

Xây dựng thói quen sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh ung thư ruột già. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên:

  • Tuân thủ chế độ ăn hợp lý: Ăn nhiều trái cây và rau quả, giảm bớt thịt chế biến sẵn và thịt đỏ, sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Kiểm soát được cân nặng và chất béo trong cơ thể.

19. Tầm quan trọng của luyện tập thể dục

 

Luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên là một vũ khí mạnh mẽ giúp chống lại bệnh ung thư đại trực tràng nói riêng và các loại bệnh nói chung. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người năng động rèn luyện thể chất, kể cả trong công việc hay lúc chơi thể thao, có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 24% so với những người ít hoạt động.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên bạn nên tập thể dục vừa phải, ví dụ như đi bộ nhanh, 150 phút mỗi tuần, hoặc dành 75 phút một tuần cho các bài tập nặng hơn, như là chạy bộ. Đừng quên phân bổ đều thời gian tập và cố gắng duy trì hàng tuần.

Vì không thể tìm thấy biểu hiện ung thư ruột già ở giai đoạn khởi phát ban đầu, người bệnh phải tiến hành các xét nghiệm cần thiết và đúng chu kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu muốn phát hiện sớm và tăng khả năng chữa khỏi bệnh. Giai đoạn được chẩn đoán mắc bệnh, lối sống lành mạnh và tinh thần lạc quan là những lưu ý quan trọng trong phòng và trị bệnh ung thư ruột già.