Thoát vị thành bụng
1. Thế nào là thoát vị thành bụng
Thoát vị thành bụng là bệnh lý gây ra do sự di chuyển của các tạng từ trong xoang bụng ra phía ngoài thành bụng qua một chỗ yếu của thành bụng. Thường gặp nhất là thoát vị vùng bẹn, chỗ yếu của vùng bụng có thể là vết mổ cũ hoặc nơi mà thành bụng không có lớp cơ, chỉ có lớp cân hay mạc che phủ.
Bên cạnh đó còn có thoát vị rốn, thoát vị vùng thượng vị, thoát vị thắt lưng... các loại thoát vị này đều biểu hiện trên một khối u lồi trên bụng, kèm theo đó là cảm giác đau tức và khó chịu.
Khi cơ thành bụng yếu hoặc hở sẽ gây ra tình trạng thoát vị thành bụng. Chẳng hạn như khi bạn nâng một vật gì đó lên, khi ho hay khi làm việc quá sức, hoặc là khi rặn trong lúc đi đại tiện đều có thể là nguyên nhân gây ra thoát vị thành bụng.
Thoát vị thành bụng bẩm sinh cũng có thể xảy ra, tuy nhiên hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác.
2. Dấu hiệu của thoát vị thành bụng
Khi bị thoát vị thành bụng, người bệnh sẽ có những biểu hiện như:
- Xuất hiện khối u phình trên thành bụng hoặc ở vùng bẹn, rất dễ thấy;
- Cảm thấy đau, tức vùng bụng;
- Hạn chế vận động;
- Mất thẩm mỹ;
- Cơ ở thành bụng bị kéo căng, có dấu hiệu tăng lên của áp lực trong khoang bụng;
- Khi làm việc nặng, nâng hoặc mang các vật nặng, ho hoặc rặn khi đi đại tiện thì thành bụng to và phồng lên
3. Nguyên nhân gây thoát vị thành bụng
Thoát vị thành bụng là bệnh lý xảy ra khi cơ thành bụng bị hở hay bị yếu. Chính sự khiếm khuyết này gây ra một khối lồi trên bụng. Áp lực trong khoang sẽ tăng lên khi cơ thành bụng bị kéo căng hơn, khối này sẽ càng to hơn và xuất hiện rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó thoát vị thành bụng xuất hiện cũng có thể là do chế độ sinh hoạt, ăn uống hoặc các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
Thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Tình trạng này có thể do sự thay đổi hormone hoặc gen của thai nhi. Thoát vị thành bụng bẩm sinh cũng có thể xảy ra do người mẹ tiếp xúc với các tác nhân môi trường khác, ví dụ thức ăn, đồ uống, những loại thuốc mà người mẹ sử dụng trong thời gian mang thai... Vì thế phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý tới việc thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học, thường xuyên kiểm tra sức khỏe trong thời gian mang thai.
4. Nguy cơ mắc phải thoát vị thành bụng
Thoát vị thành bụng xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Thoát vị thành bụng còn có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là thoát vị thành bụng bẩm sinh.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị thành bụng gồm:
- Từng thực hiện phẫu thuật vùng bụng;
- Làm những công việc nặng, dùng nhiều sức;
- Thừa cân, béo phì;
- Chế độ ăn uống của người mẹ, các loại thuốc dùng trong thời kỳ mang thai, môi trường... cũng tác động đến thai nhi và gây ra thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh;
- Phụ nữ mang thai khi quá trẻ;
- Sử dụng đồ uống có cồn và hút thuốc lá.