Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
1. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?
1.1. Thoát vị đĩa đệm
Cột sống của cơ thể con người được cấu thành bởi 24 đốt sống kéo dài từ cổ đến thắt lưng. Giữa những đốt sống này có các đĩa đệm có chức năng nâng đỡ cột sống giúp cơ thể vận động dễ dàng, giảm rung xóc cho cơ thể và giúp cột sống tránh khỏi những chấn thương.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng các bao xơ này trở nên yếu đi khiến nhân nhầy thoát ra, đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, chèn ép lên tủy sống hay rễ thần kinh xung quanh gây đau đớn cho người bệnh.
1.2. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
Khu vực cột sống cổ do thường xuyên phải vận động cũng như chịu áp lực lớn nên các đĩa đệm tại đây rất dễ tổn thương và thoát vị. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây nên tình trạng đau cổ gáy. Trong đó, phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C5 C6.
Nguyên nhân gây ra đĩa đệm đốt sống cổ bị thoát vị có thể do những chấn thương, do việc sai tư thế nằm, ngồi; do sự lão hoá của những sợi collagen hay do công việc khi phải vận động vượt quá giới hạn hoặc tư thế làm việc gò bó, rung xóc...
Theo cơ chế sinh học, một đĩa đệm đã bị thoát vị sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi hoàn toàn và trở về trạng thái như ban đầu, kể cả can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng đúng phương pháp chữa bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể phục hồi tốt đến 80-90%.
2. Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ
2.1. Dấu hiệu lâm sàng
- Đau nhức diện rộng:
Cơn đau khởi phát tại một hoặc 2 đốt sống cổ sau đó lan ra vùng bả vai, cánh tay hoặc lan lên sau đầu và hốc mắt.
- Tê ngứa ở tay và chân:
Nếu khối thoát vị chèn ép vào tủy sống, cảm giác tê ngứa sẽ khởi phát từ cổ ra toàn thân rồi lan tới chân tay. Nếu chèn ép xảy ra ở dây thần kinh, bệnh nhân chỉ có cảm giác tê ngứa ở vùng cánh tay, bàn và ngón tay.
- Hạn chế vận động:
Cử động cổ và cánh tay bị hạn chế, không thể đưa tay ra sau lưng hoặc giơ tay lên cao; khó khăn trong việc cúi ngửa hoặc quay cổ. Đi bộ khó khăn, có cảm giác căng cứng bắp chân khi đi bộ.
- Yếu cơ:
Tình trạng yếu cơ xảy ra khi khối đĩa đệm chèn ép vào tủy sống. Các cơ chân sẽ yếu trước cơ tay khiến cho bệnh nhân đi lại không vững, dáng đi xiêu vẹo. Khi tình trạng yếu cơ tăng lên, người bệnh sẽ thấy được những thớ cơ vùng đùi và bắp chân rung lên mỗi khi vận động gắng sức.
- Dấu hiệu khác:
Một số trường hợp có dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ như đau một bên lồng ngực, táo bón, khó tiểu và khó thở. Đây đều có thể coi là những biến chứng cấp độ nhẹ của bệnh.
Thực tế, dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ lâm sàng không phải thể hiện ở tất cả các bệnh nhân. Bởi thế, để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế uy tín chụp cộng hưởng từ MRI.
2.2. Cận lâm sàng
Khi chụp cộng hưởng từ MRI thấy:
- Đĩa đệm không nằm đúng vị trí, có thể chèn ra trước sau hoặc vào thân đốt sống;
- Phát hiện khối nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí thông thường;
- Cột sống cổ cong vẹo, có tam chứng barr (chiều cao đốt sống giảm);
- Rễ dây thần kinh hoặc tủy sống có dấu hiệu chèn ép.
2.3. Dấu hiệu tăng theo cấp độ
Các dấu hiệu của tình trạng đĩa đệm đốt sống cổ sẽ đặc trưng với 3 cấp độ tương ứng, mức độ và tần suất sẽ tăng dần theo tình trạng bệnh.
- Cấp độ 1: Lúc đầu, bệnh nhân cảm thấy đốt sống cổ bị cứng, khó xoay chuyển, hơi đau mỗi lần cúi xuống. Cơn đau lan dần xuống vai, đau hơn khi làm việc nặng, mức độ tăng dần từng ngày;
- Cấp độ 2: Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ không rõ ràng, cơn đau kéo dài từ gáy ra sau đầu và tai. Khi vận động liên quan đến cổ bị vướng và đau, có khi bị vẹo cổ;
- Cấp độ 3: Nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau từ gáy lan xuống bả vai. Đau, tê bì một bên hoặc cả hai bên cánh tay, mất cảm giác khéo léo của bàn tay. Thỉnh thoảng xuất hiện triệu chứng nấc cụt, ngáp chảy nước mắt, chóng mặt khi hoạt động.
3. Biến chứng nguy hiểm có thể gặp
Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xoay cổ, đầu kém linh hoạt. Tình trạng đau cánh tay do thoát vị đĩa đệm cổ thường được kiểm soát bằng thuốc và điều trị bảo tồn, không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bỏ qua giai đoạn vàng lúc khởi phát, người bệnh sẽ phải đối mặt với biến chứng nguy hiểm như:
- Tàn phế suốt đời
Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy sống cổ.
- Hẹp ống sống
Biến chứng hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau đốt sống cổ trầm trọng, đau hoặc tê ở vai, bả vai, cánh tay, đôi khi gây yếu cơ. Các triệu chứng tương tự như đau thần kinh tọa. Cơn đau sẽ giảm nếu vùng cổ vai gây của người bệnh được giảm áp lực như khi nằm, cúi gập thả lỏng người, tuy nhiên triệu chứng đau sẽ trở lại nếu duy trì tư thế lưng thẳng.
- Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não
Khi đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường sẽ chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống thân nên gây ra thiếu máu cho não.
- Chèn ép rối thần kinh cánh tay
Do các rễ thần kinh này xuất phát từ tuỷ cổ đi qua lỗ liên hợp, nên khi đĩa đệm lệch khỏi vị trí gây chèn ép lên tuỷ sống hoặc chèn lên các lỗ liên hợp thì dẫn đến chèn ép các dây thần kinh ở đây. Từ biểu hiện đau mỏi vai gáy, co cơ sẽ lan truyền xuống một hoặc cả hai bên cánh tay, đau kèm theo tê bì hoặc teo cơ cánh tay.
- Hội chứng chèn ép tuỷ
Thường có những biểu hiện rối loạn vận động, rối loạn cảm giác khi đốt sống cổ chỉ mới gặp tình trạng đau nhẹ hoặc không đau. .
- Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật
Biểu hiện rõ thấy nhất của hội chứng này là chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng; đôi khi đau ở phần hốc mắt, cảm giác mắt mờ từng cơn; đỏ mặt đột ngột, vã mồ hôi; hạ huyết áp, tăng nhu động ruột, đau ngực từng cơn, thực quản bị chèn ép gây khó nuốt.
- Đau lan rộng
Những cơn đau nặng có thể lan dọc cột sống xuống toàn bộ lưng, rồi đến mông, đùi và cẳng chân khiến những bộ phận này trở nên yếu là kém linh hoạt hơn.
Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, người bệnh sẽ gặp những biến chứng khôn lường về sau. Việc khám, điều trị nên tiến hành ở những bệnh viện uy tín.