Than
1. Bệnh than là gì?
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn, gặp phải ở cả người và động vật. Nguyên nhân gây ra bệnh than là do người bệnh nhiễm phải vi khuẩn than Bacillus anthracis.
Vi khuẩn Bacillus anthracis là vi khuẩn gram dương, thuộc họ Bacillaceae, giống Bacillus. Vi khuẩn bệnh than được phát hiện lần đầu vào năm 1848.
Vi khuẩn Bacillus anthracis có sức đề kháng không quá cao, đa số chúng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600C trong vòng 30 phút, ở 1000C trong vòng 5 phút hoặc các chất khử trùng thông dụng. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là khi tồn tại ở môi trường bên ngoài, chúng tồn tại ở dạng bào tử. Thể bào tử của Bacillus anthracis có sức đề kháng rất cao. Chúng có thể tồn tại ở điều kiện tự nhiên trong nhiều năm liền, thậm chí là vài chục năm mà vẫn duy trì khả năng gây bệnh. Thể bào tử chỉ bị phá hủy trong điều kiện sức nóng khô 1700C trong 60 phút hoặc nhiệt độ ướt 1210C trong 30 phút.
Con người bị lây nhiễm bệnh than chủ yếu thông qua các động vật mang vi khuẩn Bacillus anthracis. Vi khuẩn than gây bệnh nhiệt thán cho động vật, đặc biệt phổ biến ở các loài gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu,...Những gia súc mắc bệnh nhiệt thán hầu hết sẽ bị chết. Nếu con người tiếp xúc hoặc ăn thịt gia súc mắc bệnh thì sẽ bị lây nhiễm bệnh. Tùy theo con đường lây nhiễm mà biểu hiện và tính chất bệnh sẽ khác nhau.
2. Các thể bệnh than
Có 3 thể bệnh than tương ứng với 3 con đường lây nhiễm chính.
- Bệnh than nhiễm qua đường da
Bệnh than nhiễm qua da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95%), và cũng ít nguy hiểm nhất. Khi chúng ta tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than thì bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da.
- Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa
Có khoảng 0,5-0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Nếu bạn ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.
- Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp
Đây chính là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm nhất của bệnh than với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời.
3. Vì sao bệnh than lại nguy hiểm?
Bệnh than được xem là đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh mắc phải thể bệnh than nhiễm qua đường hô hấp. Khi bệnh nhân hít phải một số lượng bào tử Bacillus anthracis nhất định, chúng sẽ tiến sâu vào đường hô hấp và xâm nhập vào phổi. Sau khi vượt qua được hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể, chúng tiếp tục xâm nhập vào hệ bạch huyết, phát triển thành vi khuẩn rồi phát tán độc tính đi khắp cơ thể. Khi chất độc tích tụ trong phổi, nó sẽ gây ra một loạt những vấn đề nghiêm trọng. Sau thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 đến 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như sốt cao kèm ớn lạnh, tím tái, khó thở, ra mồ hôi đầm đìa, đau đầu,...bệnh nhanh chóng chuyển sang nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm màng não, nhiễm độc toàn thân và khiến bệnh nhân tử vong. Tỷ lệ tử vong ở thể bệnh này rất cao, lên đến 90%. Trong trường hợp được điều trị tích cực, chỉ có khoảng 55% bệnh nhân khỏi bệnh.
Một điểm nữa khiến bệnh than trở nên nguy hiểm chính là bào tử của vi khuẩn gây bệnh than có khả năng sinh tồn rất cao. Như đã nêu ở trên, bào tử Bacillus anthracis có thể tồn tại rất lâu trong điều kiện tự nhiên, thậm chí là vài chục năm trước khi xâm nhập vật chủ, tái kích hoạt và sinh sôi. Một lượng nhỏ vi khuẩn bệnh than bằng móng tay cũng có khả năng làm hơn 10.000 người thiệt mạng.
4. Cách phòng tránh bệnh than
- Nên tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh.
- Hiện nay đã có vắc-xin phòng bệnh than cho con người, tuy nhiên vắc-xin này có số lượng giới hạn và thường chỉ tiêm cho các quân nhân phục vụ chiến đấu hoặc những người có đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật hay sản phẩm chứa nhiều vi khuẩn.
- Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách, sau khi chôn sâu xác động vật nên rải bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.
- Không buôn bán và sử dụng da của những súc vật nhiễm bệnh than. Không ăn thịt khi nghi ngờ súc vật đó chết vì bệnh than.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da.