Tăng sản tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt
1. Thế nào là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính?
Tuyến tiền liệt là một tuyến sinh dục nam, nằm ôm vòng quanh cổ bàng quang và một phần niệu đạo (đường dẫn nước tiểu). Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (trước đây hay gọi là u xơ tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt) là sự phì đại lành tính của tuyến tiền liệt. Bệnh có nguyên nhân từ sự tăng sinh sản lành tính một hay một số loại tế bào cấu thành nên tuyến tiền liệt, làm tăng thể tích và trọng lượng tuyến, gây chèn ép làm hẹp niệu đạo và biến dạng cổ bàng quang, gây ra các rối loạn tiểu tiện.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, có trên 50% nam giới ở độ tuổi từ 60 - 70 tuổi bị u xơ tiền liệt tuyến, tỷ lệ này lên đến 88% ở những người 80 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh và mức độ trầm trọng của bệnh thường gia tăng theo độ tuổi.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể phát triển từ từ trong một thời gian dài mà không gây nên bất kỳ sự nguy hiểm nào. Tuy nhiên, vì tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên nếu bị phì đại tuyến tiền liệt sẽ gây cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo, gây ra xuất hiện các triệu chứng rối loạn về tiểu tiện.
Các triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt gây ảnh hưởng đến chất lượng sống, nhất là việc tiểu đêm khiến người bệnh không có giấc ngủ ngon hoặc tiểu nhiều lần, tiểu gấp.... Tại bàng quang, khi bệnh tiến triển lâu, có thể làm giảm chức năng của bàng quang, làm trầm trọng hơn triệu chứng đường tiểu dưới, hoặc gây ảnh hưởng đến chức năng thận.
Nếu nặng có thể gây bí tiểu mạn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, thậm chí suy thận. Người bệnh cần đi khám khi xuất hiện triệu chứng rối loạn tiểu tiện hoặc bí tiểu cấp tính.
2. Nguyên nhân gây tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thường gặp nhiều ở nam giới có tuổi. Hiện tại vẫn chưa có cách giải thích chi tiết về hiện tượng này, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia nghiên cứu, những thay đổi trong sự cân bằng hormone và sự tăng trưởng của tế bào có thể là yếu tố gây nên tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Tình trạng này nên tiến hành điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng xấu do bệnh gây nên.
3. Triệu chứng tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
- Đái rắt (đái tăng lần):
- Đái rắt là hiện tượng bệnh nhân đi tiểu liên tục (thời gian giữa 2 lần đi tiểu <2 giờ), nhưng mỗi lần đi được ít nước tiểu (dưới 150ml) trong điều kiện bình thường;
- Mới đầu đái tăng lần về đêm do cường hệ thần kinh phó giao cảm, sau đó đái tăng lần cả ngày và đêm.
- Đái khó:
- Đái khó là hiện tượng khó đẩy nước tiểu trong bàng quang ra ngoài;
- Ngoài ra còn biểu hiện: Tia tiểu yếu, nhỏ, nhiều khi không thành tia mà nước tiểu thành từng giọt nhỏ ngay dưới mũi chân.
- Bí đái: Bí đái có thể xảy ra đột ngột cấp tính (bí đái cấp tính), bí đái cũng có thể xuất hiện từ từ (bí đái mạn tính) sau một thời gian khó đái;
- Đái còn sót nước tiểu (còn nước tiểu tồn dư):
- Người bệnh đái rất lâu nhưng đái không hết được nước tiểu, đái xong không có cảm giác thoải mái, vẫn còn cảm giác buồn đái;
- Nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đái được gọi là nước tiểu tồn dư. Khi lượng nước tiểu tồn dư lớn hơn 50ml thì được coi là có ý nghĩa;
- Nước tiểu tồn dư trong bàng quang sau khi đái được xác định bằng thông đái hay siêu âm, bằng chụp thận thuốc tĩnh mạch thì bàng quang;
- Hiện tượng đái còn sót nước tiểu thường kèm theo đái khó, tia tiểu yếu, giỏ giọt.
- Đái rỉ (đái dầm dề không giữ được nước tiểu): Đái rỉ là hiện tượng nước tiểu tự chảy qua miệng sáo ra ngoài không theo ý muốn. Đái rỉ trong trường hợp bàng quang bị căng giãn quá mức, hay gặp trong tăng sản lành tính tuyến tiền liệt giai đoạn 3, bệnh bàng quang thần kinh. Đây là bí đái mạn tính hoàn toàn, khi thông tiểu, thể tích nước tiểu có thể tới hàng lít;
- Đái buốt (đái đau): Đái buốt là cảm giác đau rát khó chịu khi đi tiểu, biểu hiện lâm sàng theo từng mức độ tăng dần từ cảm giác đau nóng rát đến cảm giác buốt như kim châm trong bàng quang, lan ra theo niệu đạo khi đi tiểu, thậm chí có cảm giác đái đau buốt như lưỡi dao xẻ dọc niệu đạo làm bệnh nhân sợ đi tiểu;
- Hội chứng kích thích: Do ứ đọng nước tiểu, đái dắt ban ngày, ban đêm mót đái liên tục, không nhịn được, đái nhỏ giọt tự động, dễ dẫn đến viêm nhiễm;
- Hội chứng bít tắc: Làm rối loạn không đi tiểu được như đái khó, tia đái nhỏ, đái chậm, phải chờ mới đái được, tia đái ngắt quãng, phải rặn đái, đái làm nhiều lần;
- Đái máu: Đây là dấu hiệu đặc biệt của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, nhất là lại xảy ra khi có nhiễm khuẩn. Mức độ thường nhiều nhưng dễ điều trị.
4. Chẩn đoán tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính tiến triển chậm, rất hiếm khi gây tử vong. Bệnh có tỷ lệ mắc tăng dần theo lứa tuổi, nam giới từ 40 tuổi đã có thể xuất hiện bệnh.
Hiện nay, để chẩn đoán tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định các xét nghiệm cơ bản nhằm thăm dò hệ tiết niệu, tuyến tiền liệt (như siêu âm, X-quang) và đo niệu dòng đồ (thăm dò tốc độ dòng tiểu để đánh giá mức độ tắc nghẽn đường tiểu).
Xét nghiệm định lượng PSA huyết thanh (prostatic specific antigen - kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) sẽ được thực hiện nhằm xác định sơ bộ những rối loạn tiểu tiện là do tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hay trong bệnh cảnh của một ung thư tuyến tiền liệt mà nhiều khi biểu hiện giống nhau.
5. Điều trị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính như thế nào?
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Bệnh nhân có thể được chỉ định một trong những phương pháp điều trị sau đây:
5.1. Điều trị nội khoa
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc để làm giãn cơ trơn tuyến tiền liệt và cổ bàng quang nhằm cải thiện dòng nước tiểu, giảm tắc nghẽn.
Thuốc điều trị có tác dụng ngăn cản sự sản sinh nội tiết tố nam liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt, được sử dụng giúp ngăn cản sự phát triển của tuyến tiền liệt hoặc thu nhỏ lại tuyến tiền tiền liệt giúp quá trình đi tiểu được dễ dàng hơn.
5.2. Điều trị ngoại khoa
Đối với tình trạng bệnh nặng thì bác sĩ buộc chỉ định cắt bỏ khối tăng sản tuyến tiền liệt lành tính nhằm mang lại hiệu quả lâu dài. Việc phẫu thuật sẽ giúp điều chỉnh lại phì đại tránh gây chèn ép niệu đạo, đồng thời bảo tồn được màng bọc bên ngoài và tổ chức bên trong.
Phẫu thuật để loại bỏ tuyến tiền liệt được coi là giải pháp dài hạn tốt nhất cho người bệnh. Phẫu thuật làm giảm sự tắc nghẽn và làm rỗng bàng quang.
Có 2 phương pháp phẫu thuật:
- Cắt đốt nội soi: Cắt đốt nội soi tuyến tiền liệt là phương pháp khoét bỏ khối u tăng sản bằng máy cắt nội soi qua ngả niệu đạo;
- Mổ mở: Các bác sĩ chuyên khoa thường mổ mở khi tăng sinh tuyến tiền liệt phì lành tính nhiều, bàng quang bị tổn thương, suy thận. Các vị trí của bướu và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ quyết định có mổ mở hay không.
Đối với việc điều trị, thường ưu tiên điều trị nội khoa, chỉ điều trị ngoại khoa khi có biến chứng hoặc khi điều trị nội khoa thất bại.