Suy dinh dưỡng thể teo đét marasmus
1. Thế nào là suy dinh dưỡng thể teo đét?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thể gầy teo đét. Trong đó có thể nhắc đến một số nguyên nhân chính như sau:
- Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, điều kiện nuôi thiếu thốn, phải bổ sung các chất khác thay vì sữa mẹ như nước cháo, bột loãng... các chất, thức ăn ăn thay thế rất ít glucid
- Trẻ được bú mẹ nhưng từ tháng thứ 4 trở đi mẹ không bổ sung thêm cho trẻ bột, rau xanh, trái cây, chất béo và chất đạm bên ngoài. Hoặc có thể trẻ được bổ sung thêm chất ăn dặm khác nhưng bị thiếu chất béo cần thiết để cung cấp năng lượng quan trọng cho sự phát triển
- Trẻ bị mắc các bệnh như sở, tiêu chảy... không được điều trị dứt điểm, kết hợp với mẹ bắt trẻ kiêng ăn không đúng cách
- Trẻ bị sốt kéo dài, tiêu hao năng lượng không được chăm sóc và bù đắp năng lượng thiếu hụt trong một thời gian dài.
Các dấu hiệu lâm sàng cho thấy trẻ có nguy cơ, dấu hiệu của thể suy dinh dưỡng teo đét mà phụ huynh có thể nhận biết gồm có:
- Trẻ có triệu chứng của thiếu các loại vitamin A, B1, B12, D, K... ở mức độ ban đầu nhẹ hơn thể phù
- Suy dinh dưỡng thể teo đét không có triệu chứng gan to do thoái hóa mỡ, chức năng gan của trẻ ít bị ảnh hưởng
- Trẻ ít bị đe doạ suy tim do mức độ thiếu đạm, thiếu máu, thiếu K+, thiếu B1 nhẹ hơn dấu hiệu của trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù
- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy nhẹ
- Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, thờ ơ với ngoại cảnh
- Trẻ có thể thèm ăn hoặc chán ăn, có dấu hiệu ỉa phân sống, lỏng.
2. Hậu quả của suy dinh dưỡng thể teo đét
Suy dinh dưỡng ở thể teo đét nói riêng và suy dinh dưỡng nói chung gây ra những hậu quả khó lường và nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ. Trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ có biểu hiện chậm phát triển trí tuệ, trí lực, gầy thấp so với độ tuổi, nhận thức kém hơn so với bạn bè cùng tuổi. Tình trạng sẽ ảnh hưởng đến trẻ khi trưởng thành và có thể hình thành một số bệnh mãn tính trong quá trình phát triển và khi trưởng thành.
Theo đó, theo nghiên cứu, thống kê trẻ bị suy dinh dưỡng thường hay mắc các bệnh về tiêu chảy, viêm phổi, gây ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển trí tuệ, hành vi và khả năng học hành của trẻ cũng như khả năng lao động và sức khỏe ở tuổi trưởng thành.
Cụ thể suy dinh dưỡng có thể gây ra các tổn thương bệnh lý và các rối loạn chuyển hóa thường gặp như:
- Gan thường có nguy cơ bị thoái hóa, ở thể suy dinh dưỡng teo đét, tổn thương ở gan hoàn toàn có thể được điều trị phục hồi kịp thời và đúng lúc
- Cơ quan tiêu hóa của trẻ bị suy dinh dưỡng có thể bị tổn thương các tế bào tuyến tụy, niêm mạc ruột bị teo gây ra các tình trạng bệnh lý về tiêu hóa trong quá trình trưởng thành ở trẻ
- Hệ thống cơ tim mạch có thẻ bị teo, cung lượng tim giảm, các trường hợp nặng còn có dấu hiệu đầu chi lạnh, tím, mạch nhỏ khó bắt, khả năng tử vong cao, có thể phục hồi nhưng di chứng để lại khá nguy hiểm
- Não và hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, các chỉ số phát triển trí tuệ kém, bất thường so với trẻ bình thường
- Hệ thống miễn dịch của trẻ suy dinh dưỡng giảm sút đáng kể, tình trạng này làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn ở trẻ suy dinh dưỡng
- Các rối loạn chuyển hóa như chuyển hóa glucid, lipid, protein, nước và điện giải sẽ xảy ra ở trẻ bị suy dinh dưỡng trong quá trình phát triển.
3. Biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng thể teo đét
Để trẻ có sự phát triển toàn diện, không bị suy dinh dưỡng, phụ huynh cần biết cách phòng chống và chăm sóc trẻ bằng các biện pháp sau:
- Chăm sóc dinh dưỡng và dinh dưỡng cho mà mẹ có thai và cho con bú
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ bú kéo dài đến 18-24 tháng tuổi, ít nhất là 12 tháng tuổi
- Thực hiện ăn bổ sung hợp lý, đủ năng lượng, cân đối chất dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ
- Đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em tăng lên theo tháng tuổi
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ vitamin A cho trẻ và bà mẹ sau đẻ
- Thực hiện nuôi dưỡng đúng cách khi trẻ bị bệnh
- Chăm sóc vệ sinh, phòng chống giun sán cho trẻ
- Thực hành lý tưởng về cách nuôi con trẻ khoa học, đúng cách