Giỏ hàng 0-SP

Sốt vàng

Nguyên nhân gây bệnh sốt vàng

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sốt vàng gây ra. Virus lây truyền qua đường máu từ người và động vật mang bệnh sang người lành thông qua những vết đốt của muỗi vằn họ Aedes đã nhiễm bệnh. Muỗi Aedes vừa là véc tơ chính của virus sốt vàng, đồng thời cũng là ổ chứa mầm bệnh.

Con người không thể truyền bệnh sốt vàng trực tiếp cho nhau qua thông qua tiếp xúc thông thường, các vật dụng thường ngày, nhưng có thể truyền bệnh trực tiếp vào máu thông qua kim tiêm.

Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra một số loài muỗi khác nhau có thể truyền virus sốt vàng. Chúng thường có mặt khắp nơi, nhiều nhất là ở những khu rừng nhiệt đới, truyền bệnh cho khỉ – đây cũng là một vật chủ cho căn bệnh này giống như con người.

Bệnh thường xảy ra nhiều nhất vào mùa mưa, khí hậu nóng (nhiệt độ trung bình trên 20 độ C), khi loài muỗi Aedes phát triển mạnh. Ở khu vực bệnh lưu hành, mọi chủng đều có thể nhiễm virus sốt vàng, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt vàng

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) đã xác định 44 quốc gia có nguy cơ lây truyền bệnh sốt vàng, chủ yếu ở các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ, trong đó khoảng 90% trường hợp mắc bệnh đến từ sa mạc Sahara.

Mặc dù ở Việt Nam vẫn chưa có ca bệnh sốt vàng lưu hành, nhưng có nhiều lao động đang cư trú ở những nước có dịch bệnh, hành khách tử các nước đang có dịch bệnh về nước nên không khỏi tránh bệnh dịch xuất hiện.

Bạn có thể có nguy cơ mắc bệnh sốt vàng nếu  đi du lịch đến một quốc gia nào đó có virus sốt vàng. Những khu vực này bao gồm châu Phi cận Sahara và Nam Mỹ.

Ngay cả khi không có báo cáo hiện tại về người nhiễm bệnh ở các khu vực này, không có nghĩa là bạn không nguy cơ mắc bệnh. Có thể người dân địa phương đã được tiêm phòng để phòng bệnh, hoặc các trường hợp sốt vàng da chưa được phát hiện và báo cáo chính thức.

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm virus sốt vàng da, song nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh là trẻ em, người lớn tuổi, người có nghề nghiệp phải thường xuyên phơi nhiễm cho muỗi tấn công, đốt, hút máu.

Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Muỗi vằn chính là vật trung gian truyền bệnh.

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt vàng

Sốt vàng có hai triệu chứng rõ ràng nhất là sốt và vàng da. Hiện tượng này xảy ra do bệnh gây tổn thương gan, viêm gan. Đối với một số người, sốt vàng da không có triệu chứng ban đầu, trong khi một số người khác các triệu chứng xuất hiện từ 3 đến 6 ngày sau khi tiếp xúc với virus do muỗi đốt.

Nhiễm trùng sốt vàng da thường có 3 giai đoạn:

Thời gian ủ bệnh: Từ 3-6 ngày sau khi nhiễm virus gây bệnh. Bệnh nhân sốt vàng có thể lây truyền bệnh từ trước khi sốt một vài ngày và sau sốt 3 – 7 ngày. Muỗi Aedes sau khi hút máu có nhiễm virus sốt vàng sẽ trở thành nguy hiểm trung bình từ 9-12 ngày, sau đó có khả năng truyền bệnh suốt đời.

Thời kỳ khởi phát bệnh: Bệnh nhân đột ngột sốt cao, kèm rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm và yếu không tương xứng với tăng thân nhiệt, có vàng da nhẹ, bạch cầu máu ngoại vi giảm.

Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Tỷ lệ tử vong ở thể nặng từ 20-50%, các thể khác dưới 5%. Tổ chức Y tế Thế giới ước tình có tới 50% số người trên toàn thế giới đến giai đoạn nhiễm trùng này sẽ chết, chỉ có phân nửa có khả năng hồi phục.

Bệnh sốt vàng được chẩn đoán, xét nghiệm như thế nào?

Sốt vàng rất khó chẩn đoán, đặc biệt là trong giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh sốt rét nặng, viêm gan virus, sốt xuất huyết, ngộ độc.

Khi một bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, trước tiên các bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi về triệu chứng, hoạt động du lịch gần đây, sau đó, bác sĩ sẽ khám và chỉ định thực hiện xét nghiệm máu. Nếu bệnh nhân có bệnh sốt vàng, máu sẽ có virus trong đó. Nếu không, các xét nghiệm máu cũng có thể phát hiện các kháng thể và các chất khác đặc hiệu cho virus.

Sốt vàng được điều trị như thế nào?

Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, nên sau khi được chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng như sốt, chống xuất huyết, chống suy gan, chống dị ứng, đau cơ và mất nước.

Vì nguy cơ bệnh có thể làm chảy máu trong, tránh dùng aspirin và các thuốc chống viêm. Chú ý, chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn, bệnh có biến chứng nặng cần nhập viện để được theo dõi và điều trị sát sao hơn.

Khi bị sốt, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp làm mát khác như lau mát, sử dụng các loại quần áo rộng, mỏng… mặc để cơ thể dễ thoát nhiệt.

Biến chứng của bệnh sốt vàng

Hiện nay, sốt vàng được xem là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ở thời điểm hiện tại, bệnh bùng phát trên một số quốc gia và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh có thể kéo dài > 1 tuần với hồi phục nhanh và không có di chứng. Ở thể nghiêm trọng nhất (gọi là sốt vàng ác tính), mê sảng, nấc, co giật, hôn mê và suy đa tạng có thể xảy ra ở giai đoạn cuối. Trong quá trình phục hồi, bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là viêm phổi, có thể xảy ra.

Các biến chứng trong giai đoạn bội nhiễm của sốt vàng bao gồm suy thận, suy gan, vàng da, mê sảng, hôn mê.

Những người sống sót sau nhiễm trùng sẽ hồi phục dần dần trong khoảng thời gian vài tuần đến vài tháng, thường không gây ra những tổn thương nội tạng đáng kể. Trong thời gian này, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, vàng da.

Ngoài ra, sốt vàng cũng gây ra các biến chứng khác bao gồm nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng máu.

Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Sốt vàng được xem là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Phòng chống sốt vàng như thế nào?

Bệnh sốt vàng là một căn bệnh lây nhiễm thực sự nguy hiểm không chỉ ở các dấu hiệu phức tạp mà còn ở các biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch, ThS.BS Bùi Ngọc An Pha – Cố vấn chuyên môn Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC khuyến cáo người dân nên thực hiện những biện pháp sau:

1. Tiêm phòng

Tiêm phòng là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa sốt vàng.

Stamaril (Pháp) là một vắc xin ngừa bệnh sốt vàng an toàn, và chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh suốt đời.

Vắc xin Stamaril phòng bệnh sốt vàng dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn trên 60 tuổi. Vắc xin được chỉ định cho những người:

  • Đi đến, đi qua hoặc sống tại khu vực lưu hành bệnh sốt vàng.
  • Đi đến bất kỳ Quốc gia nào yêu cầu Giấy chứng nhận Tiêm chủng Quốc tế tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sốt vàng để nhập cảnh.
  • Người có nguy cơ nhiễm bệnh do nghề nghiệp.

Vắc xin phòng sốt vàng hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, sau khi tiêm bạn thường có cảm giác đau, sưng đỏ ở vết tiêm, ngoài ra còn có biểu hiện sốt nhẹ hoặc nôn.

Những người được khuyến cáo không nên tiêm vắc xin sốt vàng gồm:

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Những  người có tiền sử dị ứng với protein trứng gà, thịt gà, và các thành phần có trong vắc xin.
  • Người bị suy giảm, rối loạn chứng năng tuyến ức.
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch (do bẩm sinh, đang hóa trị, xạ trị bệnh ung thư), người nhiễm HIV.

Bệnh sốt vàng: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Tiêm vắc xin là giải pháp phòng bệnh sốt vàng hiệu quả nhất

2. Chống muỗi

Ngoài việc tiêm vắc xin, bạn có thể giúp bảo vệ bản thân khỏi bệnh sốt vàng bằng cách chống lại sự tấn công của muỗi.

Để không bị muỗi đốt bạn nên:

  • Tránh tham gia các hoạt động ngoài trời khi thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.
  • Mặc áo sơ mi dài tay, quần dài khi đi vào khu vực có nhiều muỗi.
  • Nếu khu vực bạn ở có nhiều muỗi gây bệnh sốt vàng sinh sống, nên dùng lưới chống muỗi, thuốc diệt muỗi.

3. Tăng cường kiểm dịch y tế

Việt Nam cho tới nay chưa có bệnh nhân sốt vàng, vì thế biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế biên giới rất quan trọng, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý những trường hợp nghi mắc sốt vàng có thể xâm nhập.

Báo cáo khẩn cấp với cơ quan y tế về mọi trường hợp nghi ngờ ca bệnh sốt vàng ở bất cứ địa điểm nào trong nước.

Ngoài ra, người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe, ít nhất 7 ngày sau khi trở về, nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Các bệnh liên quan