Sỏi niệu quản
Tổng quan bệnh Sỏi niệu quản
Sỏi niệu quản là gì?
Niệu quản là 1 đường ống dài khoảng 25cm dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, càng xuống cuối niệu quản càng hẹp lại. Sỏi niệu quản là sỏi thường di chuyển từ thận xuống niệu quản, dạng nguy hiểm nhất trong các bệnh về sỏi tiết niệu. Sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.
Sỏi có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của niệu quản nhưng hay gặp nhất là 3 vị trí hẹp sinh lý của niệu quản:
-
Đoạn nối thận vào niệu quản
-
Đoạn nối niệu quản vào bàng quang
-
Đoạn niệu quản nằm phía trước động mạch chậu.
Số lượng thường là 1 viên, đôi khi nhiều viên hay thành một chuỗi sỏi. Đoạn niệu quản có sỏi thường viêm dính dày lên, đoạn niệu quản trên dãn to, đoạn niệu quản dưới teo nhỏ, chít hẹp….
Khi sỏi mới hình thành, sỏi chưa gây triệu chứng và các biến chứng, giai đoạn này thường kéo dài khoảng 2 năm. Giai đoạn này chưa có các triệu chứng hay triệu chứng rất mờ nhạt, người bệnh thường không để ý. Nếu phát hiện và điều trị nội khoa có hiệu quản đến 80%.
Nguyên nhân bệnh Sỏi niệu quản
Các nguyên nhân sỏi niệu quản bao gồm:
-
Sỏi thận: Sỏi niệu quản do sỏi từ thận rơi xuống là nguyên nhân phổ biến nhất chiếm khoảng 80% các trường hợp
-
Hậu quả của các bệnh lý khác như: bệnh gout, bệnh tuyến giáp,lao, giang mai
-
Tổn thương niệu quản do các thủ thuật, phẫu thuật khác gây nên.
-
Dị dạng niệu quản bẩm sinh: một số dị dạng niệu quản như: niệu quản phình to, niệu quản tách đôi, niệu quản sau tĩnh mạch chủ... là các yếu tố làm dễ cho sự ứ đọng nước tiểu dẫn đến sự lắng đọng các tinh thể để kết tụ thành sỏi
-
Tăng canxi máu: canxi máu tăng cao khiến canxi niệu cũng tăng
U ở tuyến cận giáp làm rối loạn chuyển hóa canxi hoặc có thể do viêm nhiễm mãn tính...
-
Nước tiểu bị bão hòa về muối canxi: Tình trạng nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy canxi niệu tăng rất cao.
-
Giảm citrat niệu: Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ kali máu thì thường citrat niệu giảm, khi đó nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh thành sỏi niệu quản.
-
Nước tiểu bị quá bão hòa về oxalat: Thức ăn chứa nhiều oxalat hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tình trạng này. Ở người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non, người có rối loạn men chuyển hóa ở gan do di truyền cũng thường thấy tăng oxalat niệu và dễ có sỏi oxalate.
-
Chế độ ăn uống: thói quen uống ít nước cộng với môi trường sống nóng bức cũng là nguy cơ gây sỏi niệu, bổ sung dư thừa vitamin C…
Triệu chứng bệnh Sỏi niệu quản
Triệu chứng sỏi niệu quản gồm có:
-
Đau: là dấu hiệu, triệu chứng nổi bật nhất của bệnh sỏi niệu quản.
Khi sỏi rơi từ thận xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận với biểu hiện: đau xuất hiện đột ngột, mức độ đau dữ dội từng cơn, đau từ vùng thắt lưng lan xuống vùng bẹn và sinh dục không có tư thế giảm đau.
-
Tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt: người bệnh có thể cảm thấy tiểu buốt, tiểu rắt.
Nước tiểu đục, có mủ là dấu hiệu của nhiễm trùng thận ngược chiều, nên lưu ý khi sốt kèm rét run. Trường hợp này đe dọa trầm trọng chức năng thận, có nguy cơ nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.
-
Tiểu máu có thể tiểu máu vi thể phát hiện qua soi cặn lắng nước tiểu hay tiểu máu đại thể có thể phát hiện bằng mắt thường nước tiểu màu như nước rửa thịt.
-
Tiểu ra sỏi nhỏ ít gặp nhưng có giá trị chẩn đoán.
-
Ngoài đau người bệnh có thể bị sốt, rét run, buồn nôn và nôn, bụng chướng, bí trung đại tiện
Sỏi niệu quản có thể tiến triển nếu không được điều trị sớm gây ra các biến chứng như:
-
Ứ nước tại thận gây giãn đài bể thận: Do sỏi chặn đường nước tiểu đi qua, nước tiểu không xuống được bàng quang để đào thải ra ngoài gây ra ứ nước tại thận, giãn đài bể thận làm ảnh hưởng tới chức năng thận.
-
Viêm đường tiết niệu: Khi viên sỏi di chuyển làm tổn thương niêm mạc niệu quản tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây viêm với biểu hiện sốt cao rét run, hố thắt lưng căng đau.
-
Suy thận cấp: Xảy ra khi sỏi gây tắc hoàn toàn đường niệu quản gây ra triệu chứng vô niệu.
-
Suy thận mạn: Khi viêm đường tiết niệu xảy ra kéo dài gây ra suy thận mạn, các tế bào thận tổn thương không phục hồi.
Đối tượng nguy cơ bệnh Sỏi niệu quản
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đối với sỏi niệu quản, chẳng hạn như:
-
Bệnh sử gia đình hoặc cá nhân: nếu một người nào đó trong gia đình bạn bị sỏi thận thì bạn có nhiều khả năng mắc sỏi thận.
-
Không uống đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Những người sống ở vùng khí hậu ấm áp và những người ra nhiều mồ hôi có thể có nguy cơ cao hơn những người khác
-
Chế độ ăn uống: chế độ ăn giàu natri sẽ làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và làm tăng đáng kể nguy cơ bị sỏi thận
-
Béo phì: kích thước vòng eo lớn và tăng cân có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận
Phòng ngừa bệnh Sỏi niệu quản
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
-
Uống nước đều đặn. Đối với những người có tiền sử sỏi thận, các bác sĩ thường khuyên bạn nên thải ra khoảng 2,6 lít (2,5 lít) nước tiểu một ngày. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt, trong thì chứng tỏ bạn đã uống đủ nước
-
Hạn chế ăn các loại thực phẩm có nhiều canxi oxalat như: sữa, phô mai, nước chè đặc, củ cải, đậu bắp
-
Hạn chế ăn muối và protein động vật: giảm lượng muối ăn và chọn nguồn protein từ thực vật ví dụ như các loại đậu, nấm…
-
Cẩn thận với việc bổ sung canxi: canxi trong thức ăn không có ảnh hưởng đến nguy cơ sỏi thận, vì vậy bạn hãy tiếp tục ăn các loại thực phẩm giàu canxi trừ khi bác sĩ khuyến cáo không nên. Bạn hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung canxi, vì chúng có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Sỏi niệu quản
Chẩn đoán hình ảnh
-
Chụp X – quang thận không chuẩn bị: Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào X quang nhưng cũng có nhiều khó khăn vì thường là sỏi nhỏ, cản quang kém, dễ bị che khuất bởi các xương trên đường đi của niệu quản. Mặt khác ở vùng chậu còn rất nhiều loại hình cản quang không phải sỏi ví dụ như trùng bóng xương, cột sống
-
Chụp thận thuốc tĩnh mạch UIV: Chụp thận thuốc tĩnh mạch trong bệnh sỏi niệu quản nhằm 3 mục đích:
-
Khẳng định chẩn đoán nếu còn nghi ngờ ở phim thận thường.
-
Đánh giá ảnh hưởng của sỏi tới đường bài xuất và nhu mô thận.
Ảnh hưởng này không tương xứng với kích thước của sỏi, mà phụ thuộc vào mức độ bít tắc do viên sỏi đó gây nên.
Bít tắc và nhiễm khuẩn sẽ dẫn tới thận ứ niệu, thận ứ mủ hoặc viêm thận ngược dòng, dần dần sẽ gây suy thoái nhu mô thận, cuối cùng chức năng thận sẽ bị mất hoàn toàn.
-
Tìm nguyên nhân sinh sỏi trên đường niệu.
Sỏi có thể là nguyên phát hay thứ phát do dị tật bẩm sinh ở đường niệu. Để xác định điều này cần phải chụp thận thuốc tĩnh mạch.
-
Chụp niệu quản-bể thận ngược dòng (UPR)
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT- scan)
Xác định các tổn thương như thận thường, UIV nhưng ở mức độ chính xác hơn
Ngoài ra còn đánh giá tình trạng nhu mô thận, giãn đài bể thận.
Siêu âm
Siêu âm xác định được:
-
Hình ảnh và kích thước sỏi cản âm trên thận, niệu quản.
-
Kích thước của thận.
-
Độ giãn của đài bể thận.
-
Độ dầy mỏng nhu mô thận
Xét nghiệm máu và nước tiểu
-
Xét nghiệm máu. Quy trình này cho biết liệu có quá nhiều canxi hoặc axit uric trong máu hay không. Kết quả xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ theo dõi chức năng thận, đánh giá tình trạng nhiễm trùng kèm theo và kiểm tra các bệnh lí khác nếu có.
-
Xét nghiệm nước tiểu
Các biện pháp điều trị bệnh Sỏi niệu quản
Nhằm mục đích điều trị sỏi niệu quản hiệu quả và triệt để, cần xác định chính xác loại sỏi và kích thước của sỏi.
-
Điều trị nội khoa có thể được cân nhắc với những trường hợp sỏi kích thước nhỏ < 5mm, chưa gây biến chứng.
-
Thuốc giảm đau: acetaminophen, ibuprofen…
-
Ngoài ra bệnh nhân nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa kể trên
-
Điều trị can thiệp
Ngày nay y học hiện đại đã có nhiều bước tiến lớn, phương pháp mổ hở với nhiều rủi ro ngày càng ít được áp dụng. Thay vào đó là các kỹ thuật mới, an toàn hơn, ít xâm lấn hơn như:
-
Nội soi tán sỏi qua da chuẩn thức (Standard PCNL)
-
Nội soi tán sỏi qua da tối thiểu (Mini PCNL)
-
Nội soi niệu quản (Ureteroscopy)
-
Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL).
Tuy nhiên đối với các sỏi lớn gây giãn đài bể thận niệu quản và không đủ tiêu chuẩn để làm các biện pháp xâm lấn tối thiểu, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ lấy sỏi.