Rối loạn tâm thần do rượu
1. Tác động của rượu lên cơ thể
Rượu là các đồ uống chứa Etylic (Ethanol), công thức hóa học là CH3-CH2-OH. Sử dụng rượu gây ra các tác động đối với cơ thể như:
1.1 Hấp thu và chuyển hóa
Có khoảng 10% lượng rượu uống vào được hấp thu ở dạ dày. Lượng rượu còn lại được hấp thu ở ruột non. Nồng độ rượu trong máu đạt đỉnh sau 45 - 60 phút tùy tình trạng dạ dày (khi đói hấp thu rượu nhanh hơn khi no). Khoảng 90% lượng rượu hấp thu vào cơ thể được chuyển hóa ở gan. 10% còn lại được bài tiết qua thận và phổi.
1.2 Tác động của rượu lên não
Rượu có khả năng ức chế hệ thần kinh, gây dung nạp chéo. Với nồng độ rượu 0,05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán sẽ trở nên lỏng lẻo hoặc ngưng trệ. Ở nồng độ rượu 0,1% trong máu, các cử động tự ý trở nên vụng về. Ngộ độc rượu khi nồng độ rượu trong máu ở mức 0,1 - 0,15%. Ở nồng độ 0,2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở mức 0,3%, người bệnh bị lú lẫn và hôn mê. Từ 0,4 – 0,5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê.
1.3 Tác động của rượu lên các cơ quan khác
Rượu gây hại cho nhiều cơ quan. Sử dụng rượu lâu dài có thể gây teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh viêm gan, xơ gan, bệnh về cơ, bệnh cơ tim, viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm tụy,... Người bị nghiện rượu mãn tính thường bị thiếu hụt thiamin, vitamin B12, acid nicotinic và folate. Trong thời gian có thai, nếu người mẹ sử dụng rượu thì sẽ gây độc cho thai nhi, có thể gây dị dạng cho trẻ.
2. Tác động của rượu lên tâm thần
Rượu có thể gây rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm thần do sử dụng rượu có thể do ngộ độc rượu cấp tính hoặc do ngộ độc rượu mạn tính (nghiện rượu). Các rối loạn tâm thần do rượu gồm:
2.1 Lệ thuộc và lạm dụng rượu
Khái niệm
- Lạm dụng rượu: Liên tục sử dụng rượu đến mức ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động của cá nhân, thường sau đó đi tới lệ thuộc rượu;
- Lệ thuộc rượu: Là dùng nhiều rượu đến mức gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thể chất và tinh thần. Có 3 dạng thường gặp là: Liên tục dùng lượng rượu nhiều; Chỉ dùng nhiều rượu vào cuối tuần hoặc khi có trục trặc trong công việc; Dùng nhiều rượu kéo dài vài ngày đến cả tuần, xen kẽ với các giai đoạn không uống rượu.
Điều trị
Mục đích điều trị rối loạn sử dụng rượu là kéo dài thời gian ngưng rượu.
- Điều trị nhận thức: Cần cho bệnh nhân biết mình có vấn đề nghiện rượu để hợp tác trong quá trình điều trị;
- Tâm lý xã hội: Bệnh nhân cần phải nhận ra các ảnh hưởng có hại của việc nghiện rượu đối với gia đình;
- Hóa dược trị liệu: Sử dụng Disulfiram (Antabuse), Naltrexone (Revia) theo đúng chỉ định của bác sĩ cho từng trường hợp cụ thể.
2.2 Nhiễm độc rượu (say rượu)
Khái niệm
Uống một lượng rượu đủ để gây các thay đổi về hành vi.
- Say rượu thông thường: Có thể có những rối loạn tâm thần như: cảm xúc không ổn định, cáu giận, lo âu, rối loạn hành vi,... đi kèm các triệu chứng của ngộ độc rượu. Những rối loạn tâm thần này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi còn tác dụng dược lý của rượu. Khi hết tác dụng dược lý của rượu, các triệu chứng này sẽ tự hết;
- Say rượu bệnh lý: Là tình trạng rối loạn tâm thần cấp tính xuất hiện khi say rượu. Sau khi sử dụng rượu với liều thấp, đối tượng xuất hiện tình trạng loạn thần cấp. Đối tượng có thể có những hành vi nguy hiểm, mất kiểm soát ý thức về hành vi của mình. Tình trạng loạn thần sẽ hết sau khi hết cơn say rượu. Có 3 thể say rượu bệnh lý: Say rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế, say rượu với ảo giác chiếm ưu thế và say rượu với biểu hiện kích động vận động chiếm ưu thế.
Các hậu quả của nhiễm độc rượu có thể là tai nạn xe cộ, chấn thương, gãy xương, hoạt động phạm tội, giết người hoặc tự sát,...
Điều trị
- Chú ý dinh dưỡng cho bệnh nhân, đặc biệt là bổ sung thiamine, vitamin B12 và folate;
- Theo dõi đề phòng biến chứng như tấn công người khác, hôn mê, chấn thương, té ngã,...
2.3 Rối loạn loạn thần do rượu
Khái niệm
Loạn thần do rượu hay do ngộ độc rượu mạn tính gây ra. Rối loạn loạn thần gồm các ảo giác kéo dài, chủ yếu là ảo thị, ảo thanh, không có mê sảng, thường xuất hiện trong vòng 2 ngày khi những người lệ thuộc rượu ngưng uống rượu. Loạn thần rượu có thể kéo dài mãn tính và bệnh cảnh lâm sàng gần giống tâm thần phân liệt. Đây là trạng thái hiếm gặp, tỷ lệ mắc của nam/nữ là 4/1, thường gặp ở những người có tiền sử uống rượu trên 10 năm.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị loạn thần rượu là trị liệu theo giai đoạn, giảm triệu chứng, kết hợp điều trị rối loạn tâm thần và điều trị ngộ độc rượu hoặc cai nghiện rượu, theo dõi và chăm sóc toàn diện. Việc điều trị dựa theo từng giai đoạn:
- Giai đoạn cấp: Gồm điều trị giải độc rượu (điều trị hội chứng cai rượu) và điều trị rối loạn tâm thần. Phương pháp điều trị giải độc rượu là liệu pháp vitamin nhóm B liều cao, bù nước điện giải theo đường truyền tĩnh mạch và đường uống, giải lo âu, chống rối loạn thần kinh thực vật và điều trị các bệnh nội khoa. Điều trị rối loạn tâm thần phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng cụ thể và thể trạng bệnh nhân. Bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác, kích động; trầm cảm; hưng cảm; lo âu sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau với liều lượng phù hợp;
- Giai đoạn bán cấp và ổn định: Tiếp tục điều trị thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu và thuốc chỉnh khí sắc,... với liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ;
- Giai đoạn sau loạn thần: Phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện, giúp bệnh nhân tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng.