Rối loạn cơ thể hóa
Rối loạn dạng cơ thể là tình trạng rối loạn tâm thần dễ nhận thấy do người bệnh chú ý quá mức về các khuyết điểm liên quan đến ngoại hình. Bệnh kéo dài có thể gây các biến chứng nghiêm trọng, do đó cần được điều trị sớm để giảm thiểu nguy cơ.
1. Rối loạn dạng cơ thể là gì?
Rối loạn dị dạng cơ thể (BDD) là một rối loạn tâm thần dễ nhận thấy, trong đó một người bị bận tâm với một khiếm khuyết về thể chất không có thật hoặc một khiếm khuyết nhỏ mà những người khác không nhìn thấy. Do đó, những người mắc chứng rối loạn này tự coi mình là "xấu xí" và thường tránh tiếp xúc với xã hội hoặc chuyển sang phẫu thuật thẩm mỹ để cố gắng cải thiện ngoại hình.
BDD có nhiều đặc tính giống rối loạn ăn uống và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. BDD giống với rối loạn ăn uống ở chỗ cả 2 đều liên quan đến thay đổi về ngoại hình. Tuy nhiên, hai bệnh này khác nhau ở chỗ người mắc chứng rối loạn ăn uống thường xuyên lo lắng về cân nặng và ngoại hình trên toàn cơ thể, trong khi người bị BDD lại chú ý đến một bộ phận cụ thể trên cơ thể.
Những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) có những suy nghĩ, nỗi sợ hãi hoặc hình ảnh (nỗi ám ảnh) lặp đi lặp lại mà họ không thể kiểm soát. Sự lo lắng (hồi hộp) được tạo ra bởi những suy nghĩ này dẫn đến việc hình thành một số thói quen nhất định. Với BDD, khi một người bận tâm đến khuyết điểm của mình sẽ dẫn đến xuất hiện một số hành vi như liên tục nhìn vào gương hoặc ngoáy vào da. Người bị BDD cuối cùng sẽ trở nên bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết mà xã hội, công việc và gia đình gán vào.
BDD là một rối loạn mãn tính không phụ thuộc vào tuổi tác. Bệnh thường bắt đầu sớm ở tuổi thiếu niên hoặc vị thành niên.
Những vấn đề về ngoại hình mà người bị BDD quan tâm nhất bao gồm:
- Làn da: Bao gồm nếp nhăn, sẹo, mụn trứng cá
- Tóc: Bao gồm ngọn tóc, thân tóc hoặc không có tóc.
- Đặc điểm khuôn mặt: Chủ yếu là liên quan đến mũi, nhưng cũng có thể liên quan đến các vị trí khác.
- Trọng lượng cơ thể: Người mắc bệnh có thể bị ám ảnh về trọng lượng hoặc trương lực cơ.
- Kích thước của dương vật, cơ bắp, vú, đùi, mông
- Mùi cơ thể
2. Nguyên nhân gây rối loạn dạng cơ thể
Nguyên nhân chính xác của BDD chưa được xác định rõ. Về lý thuyết, rối loạn liên quan đến một vấn đề về kích thước hoặc chức năng của một số vùng xử lý thông tin của não về ngoại hình. Trên thực tế, rối loạn dạng cơ thể xảy ra ở những người bị rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng.
Các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển hoặc kích hoạt BDD bao gồm:
- Đã trải qua nhiều sự kiện đau thương hoặc xung đột cảm xúc trong thời thơ ấu
- Lòng tự trọng thấp
- Nhận nhiều lời chỉ trích từ cha mẹ hoặc những người xung quanh
- Áp lực từ môi trường sống coi trọng ngoại hình
3. Triệu chứng của rối loạn dạng cơ thể
Một số dấu hiệu cảnh báo rối loạn dạng cơ thể (BDD) bao gồm:
- Thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại và tốn thời gian như nhìn vào gương, tự lột da và cố gắng che đậy khuyết điểm hình thức
- Thường xuyên đặt câu hỏi với người khác về khuyết điểm bạn đang chú ý đến
- Lặp đi lặp lại việc chạm vào khiếm khuyết hình thức
- Xảy ra các vấn đề tại nơi làm việc, trường học hoặc trong các mối quan hệ do không thể ngừng tập trung vào khiếm khuyết hình thức
- Cảm thấy tự ti và không muốn ra ngoài nơi công cộng, hoặc cảm thấy lo lắng khi xung quanh có nhiều người
- Tư vấn nhiều lần với các chuyên gia y tế, chẳng hạn như bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu, để tìm cách cải thiện ngoại hình của mình
4. Các yếu tố nguy cơ
Rối loạn dạng cơ thể thường bắt đầu trong những năm đầu tuổi thiếu niên và nó ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển hoặc kích hoạt rối loạn dạng cơ thể, bao gồm:
- Có họ hàng ruột thịt mắc rối loạn dạng cơ thể hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Trải nghiệm cuộc sống tiêu cực như bị trêu chọc thời thơ ấu, bỏ bê hoặc lạm dụng
- Đặc điểm về tính cách như chủ nghĩa hoàn hảo
- Áp lực xã hội hoặc cầu toàn về sắc đẹp
- Đang gặp phải các vấn đề tâm thần khác như lo lắng hoặc trầm cảm
5. Biến chứng
Các biến chứng có thể được gây ra bởi hoặc liên quan đến rối loạn dạng cơ thể bao gồm:
- Trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác
- Suy nghĩ hoặc có hành vi tự sát
- Rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn lo âu xã hội (ám ảnh sợ xã hội)
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
- Rối loạn ăn uống
- Lạm dụng
- Vấn đề sức khỏe từ các hành vi như tự lột da
- Đau đớn về thể xác hoặc nguy cơ biến dạng do can thiệp phẫu thuật nhiều lần
6. Phòng ngừa
Các biện pháp phòng ngừa rối loạn dạng cơ thể không được xác định rõ. Tuy nhiên, vì rối loạn dạng cơ thể thường bắt đầu trong những năm đầu tuổi thiếu niên nên việc xác định sớm và bắt đầu điều trị có thể có ích. Điều trị duy trì và lâu dài cũng có thể giúp ngăn ngừa rối loạn dạng cơ thể tái phát.