Mày đay
1. Mày đay là gì?
Mày đay là hiện tượng phát ban da, là tình trạng phản ứng của mao mạch trên da do nhiều yếu tố khác nhau, gây phù cấp tính hoặc mạn tính ở trung bì.
Có khoảng 20% dân số từng bị mày đay ít nhất một lần trong đời. Bệnh là kết quả của chuỗi phản ứng phức tạp giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây viêm. Biểu hiện của mày đay là các sẩn, mảng hồng ban hoặc trắng, phù nề, có giới hạn rõ ràng. Kích thước và hình dạng mày đay thay đổi, có thể có hình tròn hoặc bầu dục, tập hợp lại thành hình đa cung. Mày đay cũng có thể có bóng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy trên da. Bệnh nhân có thể bị ngứa nhiều hoặc ít. Vị trí xuất hiện thường gặp của mày đay là da, niêm mạc, thanh quản và đường tiêu hóa.
2. Phân loại mày đay
2.1. Mày đay thông thường (cấp tính và mạn tính)
- Mày đay cấp tính: Kéo dài dưới 6 tuần, do nhiều nguyên nhân như thực phẩm gây dị ứng, dùng thuốc gây nổi mày đay, nhiễm trùng hoặc thay đổi nội tiết tố,...
- Mày đay mạn tính: Kéo dài trên 6 tuần, thường không tìm được nguyên nhân, chỉ tìm được nguyên nhân của 5 – 20% trường hợp mắc bệnh.
2.2. Mày đay vật lý
Mề đay vật lý gồm các dạng sau:
- Mày đay do kích thích cơ học: Gồm chứng da vẽ nổi, mày đay muộn do áp lực và mày đay do rung
- Mày đay do thay đổi nhiệt độ: Gồm mày đay cholinergique, mày đay do tiếp xúc nhiệt tại chỗ và mày đay do lạnh
- Mày đay do ánh nắng mặt trời.
2.3. Phù mạch (phù Quincke)
- Sang thương giống mày đay nhưng sâu và lan tỏa hơn
- Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ
- Vết mày đay có cảm giác đau, bỏng rát
- Vị trí xuất hiện: Mí mắt, môi, lòng bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục ngoài, các cơ quan thuộc hệ hô hấp, hệ tiêu hóa,...
- Có thể đi kèm với triệu chứng toàn thân như sốt, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, nhức đầu và nặng nhất là trụy tim (sốc phản vệ), cần được cấp cứu kịp thời.
2.4. Các dạng mày đay khác
- Mày đay tiếp xúc
- Viêm mạch mày đay.
3. Chẩn đoán mày đay
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
- Thương tổn cơ bản: Là các sẩn phù có kích thước to nhỏ khác nhau, xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Sẩn phù nổi cao trên mặt da, có màu nhợt nhạt hoặc đỏ hơn các vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn phù thay đổi nhanh, xuất hiện nhanh và cũng mất đi nhanh
- Phân bố vết mày đay có thể khu trú hoặc lan rộng toàn thân
- Ở các khu vực tổ chức lỏng lẻo như môi, mi mắt, bộ phận sinh dục ngoài,... các ban đỏ và sẩn phù xuất hiện đột ngột sẽ làm sưng to cả vùng, gọi là phù mạch hay phù Quincke. Nếu phù mạch xuất hiện ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ gây các triệu chứng nặng như khó thở nặng, đau quặn bụng, đi ngoài phân lỏng, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch hay sốc phản vệ
- Triệu chứng cơ năng: Đa số các trường hợp nổi mày đay đều gây ngứa, càng gãi càng ngứa và nổi thêm nhiều sẩn khác. Tuy nhiên, có trường hợp bệnh nhân chỉ có cảm giác châm chích hoặc rát bỏng
- Tiến triển: Bệnh mày đay hay tái phát từng đợt, theo tiến triển được chia thành 2 loại là mày đay cấp tính và mày đay mạn tính.
3.2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Có một số xét nghiệm được áp dụng để chẩn đoán nguyên nhân dẫn tới mày đay. Đó là:
- Công thức máu: Xác định số lượng bạch cầu đa nhân ái toan, nếu số lượng bạch cầu này tăng gợi ý bệnh dị ứng do ký sinh trùng, số lượng bạch cầu giảm gợi ý mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống;
- Thử nghiệm lẩy da (prick test): với dị nguyên nghi ngờ như phấn hoa, mạt bụi nhà,...
4. Điều trị mày đay
Bị nổi mày đay phải làm sao? Có 2 phương án điều trị thường được áp dụng cho bệnh nhân nổi mày đay là:
4.1. Điều trị không dùng thuốc
- Giải thích rõ cho bệnh nhân khi thực hiện điều trị bệnh
- Tìm và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh
- Nghỉ ngơi nhiều, tránh căng thẳng, quá nóng hoặc quá lạnh
- Tránh dùng các thuốc có thể gây mày đay như Aspirin, NSAIDs, codeine, morphine, ức chế men chuyển,... nếu có cơ địa dị ứng
- Tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như trứng, dâu tây, cà chua, chocolate,...
- Tránh các chất gây kích thích như gia vị, trà, rượu bia, cà phê,...
- Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da
- Có thể áp lạnh hoặc tắm nước lạnh, tránh tắm nước nóng
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
- Chống táo bón, tẩy giun sán
- Mặc quần áo cotton nhẹ nhàng và vừa vặn
- Tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc những nguyên nhân khác gây đổ mồ hôi
- Trong cơn nổi mày đay cấp tính: Bệnh nhân nên ăn nhẹ, giảm muối. Nếu bị ngứa, khó chịu nhiều, người bệnh có thể pha giấm với nước ấm theo tỉ lệ 1:2 để thoa lên da hoặc tắm.
4.2. Điều trị mày đay bằng thuốc
- Dùng thuốc kháng histamin: Kháng histamin thế hệ I có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, kháng cholinergic (khô miệng, nhìn mờ, tim đập nhanh, rối loạn tiết niệu,...) và dễ tương tác thuốc. Thuốc kháng histamin thế hệ II như cetirizine, levocetirizine ít gây buồn ngủ; thuốc desloratadine, fexofenadine, loratadine không gây buồn ngủ, ít tác dụng cholinergic và ít gây tương tác thuốc
- Dùng thuốc corticoid toàn thân: Dạng uống hoặc tiêm chỉ nên dùng trong những trường hợp nổi mày đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản. Thuốc cũng có thể dùng trong một số trường hợp mày đay do viêm mạch, mày đay do chèn ép hoặc mày đay mạn tính không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường. Thuốc không nên dùng để điều trị mày đay mạn tính tự phát. Liều dùng là 30 - 60 mg, dùng 1 lần buổi sáng hoặc 2 lần sáng - chiều, giảm liều trong 2 tuần
- Dùng thuốc khác: Leukotriene, colchicine, epinephrine, dapson, doxepin,...
- Dùng ức chế miễn dịch, thay huyết tương, Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (trong trường hợp nặng, kháng trị).
4.3. Lưu ý khi điều trị mày đay ở các nhóm đối tượng đặc biệt
Điều trị mày đay ở phụ nữ có thai:
- Không có thuốc an toàn tuyệt đối cho thai phụ
- Hydroxyzine chống chỉ định sử dụng cho thai phụ
- Có thể sử dụng cetirizine và loratadine (nhóm B) để điều trị mày đay vì các loại thuốc này không tăng nguy cơ gây dị dạng thai
Điều trị mày đay ở phụ nữ đang cho con bú:
- Không dùng hầu hết các thuốc kháng histamin
- Có thể sử dụng cetirizine, loratadine, chlorphenamine.
Điều trị mày đay ở trẻ em:
- Tránh các nguyên nhân có thể gây khởi phát bệnh
- Thuốc kháng histamin là điều trị lựa chọn
- Dùng Cetirizine, Desloratadine cho trẻ từ 1 tuổi trở lên
- Dùng Loratadine, levocetirizine cho trẻ từ 2 tuổi trở lên
- Dùng Acrivastine, Bilastine, Mizolastine, Fexofenadine và Rupatadine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên
- Sử dụng Loratadine, Desloratadine, Cetirizine và Levocetirizine dạng si rô
- Chuyển hóa cetirizine ở trẻ em khác người lớn nên có thể dùng 2 lần/ngày
- Có thể dùng kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ em nhưng gây buồn ngủ. Các thuốc bao gồm diphenhydramine, hydroxyzine, promethazine, chlorphenamine
- Có thể sử dụng Corticosteroids ngắn ngày (3-5 ngày) cho trẻ bị mày đay do áp lực. Không sử dụng corticoid dài ngày vì có thể gây tác dụng phụ nặng nề
- Acid Tranexamic sử dụng để điều trị phù mạch đơn độc với liều lượng 15-25mg/kg (tối đa 1500mg), dùng 2-3 lần/ngày
- Kháng thể kháng IgE (Omalizumab) có thể sử dụng điều trị mày đay mạn tính ở trẻ em trên 7 tuổi , không đáp ứng điều trị thuốc kháng histamin; liều dùng là 3 - 6 lần tiêm, 150-300mg/tháng
- Trẻ cần được theo dõi ở trung tâm điều trị đặc biệt
- Có thể sử dụng Cyclosporine điều trị mày đay trong trường hợp ca bệnh khó chữa.
Các trường hợp mắc mày đay mạn tính thường liên quan tới những bệnh lý khác bên trong nên người bệnh cần được khám chuyên khoa, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm đúng nguyên nhân và có phương án điều trị thích hợp.