Liệt hai chân
Liệt hai chi dưới là hội chứng mà bệnh nhân giảm hoặc mất vận động tự chủ ở cả hai chân. Bệnh nếu không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng như teo cơ, cứng khớp và rất khó phục hồi được chức năng vận động đi lại.
1. Các dạng liệt hai chi dưới
Trên lâm sàng, liệt hai chi dưới gồm có 2 thể là liệt cứng và liệt mềm được phân loại dựa vào nguyên nhân gây ra liệt, đó là:
- Liệt cứng: Chắc chắn do tổn thương thần kinh trung ương (bó tháp);
- Liệt mềm: Tổn thương thần kinh trung ương hoặc cũng có thể là ngoại vi.
1.1 Liệt cứng
Triệu chứng lâm sàng của liệt cứng hai chân gồm có 2 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: Thường bắt đầu chậm và có thể là từ giai đoạn liệt mềm chuyển sang liệt cứng. Ban đầu bệnh nhân sẽ có biểu hiện rối loạn cảm giác kiểu rễ do tổn thương ép rễ như đau, tê bì khi gắng sức, ho, hắt hơi, thở mạnh,...
- Giai đoạn toàn phát: Là khi biểu hiện lâm sàng đã là phối hợp của rối loạn vận động, phản xạ, cảm giác và thần kinh tự chủ với các triệu chứng:
- Tăng trương lực cơ kiểu tổn thương bó tháp;
- Tăng phản xạ gân xương, rung giật bàn chân, xương bánh chè;
- Dấu Babinski thấy ở cả 2 bên;
- Rối loạn cảm giác nông sâu, rối loạn cơ tròn và dinh dưỡng;
- Ở nam giới có thể kèm theo cả rối loạn chức năng sinh dục không rõ teo cơ.
1.2 Liệt mềm
Triệu chứng lâm sàng của liệt mềm hai chân gồm 2 tiêu chuẩn chính là:
- Giảm trương lực và cơ lực cả 2 bên;
- Giảm hoặc mất phản xạ gân xương (gân cơ tứ đầu đùi, gân gót), phản xạ da bụng, da bìu.
Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể mất hoàn toàn vận động, phản xạ hoặc thậm chí là mất cảm giác, không còn nhận biết chân mình.
2. Nguyên nhân khiến liệt hai chi dưới
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến liệt hai chi dưới, chia thành các nhóm sau:
2.1 Nguyên nhân do tổn thương ngoại vị
- Viêm sừng trước tủy cấp hay bệnh bại liệt: Do virus bại liệt phá hủy tế bào vận động sừng trước gây liệt vận động các cơ chi phối, tuy nhiên hiện bệnh ngày càng ít gặp vì đã có vaccine bại liệt được tiêm cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng;
- Bệnh đa dây thần kinh: Là bệnh mãn tính do nhiều nguyên nhân như đái tháo đường, thiếu vitamin B1, nhiễm độc mạn tính hay suy thận mạn giai đoạn cuối;
- Bệnh đa rễ và dây thần kinh cấp tính: Là bệnh cấp tính gây tổn thương mất myelin khu trú thành ổ ở rễ và dây thần kinh, với đặc trưng là rối loạn cảm giác - vận động đối xứng 2 bên và có thể tự khỏi;
- Hội chứng đuôi ngựa: Là bệnh lý tổn thương các rễ vùng chóp cùng đuôi ngựa gây rối loạn cảm giác khu trú, giảm vận động đi lại, liệt mềm hoặc mất phản xạ gân xương.
2.2 Nguyên nhân do tổn thương trung ương
- Viêm tủy do virus hướng thần kinh: Tùy theo vị trí tổn thương mà có biểu hiện khác nhau:
- Thể viêm tủy cắt ngang: Có hội chứng nhiễm khuẩn nhẹ ở giai đoạn khởi bệnh, liệt mềm sau chuyển sang dần liệt cứng và co cứng;
- Thể tổn thương nhiều vị trí: Viêm não tủy khiến tổn thương cả não và tủy, hai chân liệt không đều cùng với triệu chứng viêm não.
- Viêm tủy do giang mai: Bệnh nhân thường mang đặc điểm là liệt cứng từng đợt do tổn thương chọn lọc bó tháp và phản ứng huyết thanh dương tính;
- Viêm tủy do các nhiễm khuẩn khác: Nhiễm trùng do tụ cầu vàng hoặc liên cầu hay trực khuẩn lao;
- Viêm tủy do biến chứng của các bệnh như: Thủy đậu, cúm, tiêm phòng chó dại cắn;
- Cơ chế ép tủy do các nguyên nhân sau:
- U ngoài tủy: Thường là u màng tủy và u dây thần kinh sẽ gây ra triệu chứng đau do ép rễ và ép tủy điển hình;
- U nội tủy: Ít gặp hơn và triệu chứng lâm sàng thường không điển hình với rối loạn cảm giác chủ quan và các dấu hiệu kín đáo. Tuy nhiên khi giai đoạn muộn sẽ có hội chứng bó tháp, rối loạn cơ tròn và rối loạn cảm giác kiểu rỗng tủy.
- U di căn vào tủy và cột sống: Chỉ gặp ở 5% người bị ung thư và phần lớn là di căn cột sống dẫn tới chèn ép tủy. Lâm sàng khá đa dạng với đau cột sống, đau tăng khi thay đổi tư thế và không đáp ứng thuốc giảm đau.
- Lao cột sống: Chẩn đoán xác định bằng chụp X-quang và cộng hưởng từ cột sống kết hợp các xét nghiệm đặc trưng của lao như AFB, Xpert,... Điều trị kết hợp cả kháng sinh và thuốc chống lao;
- Áp xe ngoài màng cứng: Bệnh khá hiếm gặp, thường là sau nhiễm khuẩn, bệnh cảnh nhiễm trùng nặng cần điều trị kháng sinh mạnh và phẫu thuật giải thoát;
- Thoát vị đĩa đệm: Liệt hai chân thường do thoát vị lớn ở đường giữa sau tai nạn sinh hoạt hoặc thể thao;
- Viêm màng nhện tủy: Có lâm sàng tiến triển chậm với rối loạn cảm giác không đều nhau, kết hợp với tổn thương trung ương và cả ngoại vi;
- Chấn thương tủy sống và vết thương cột sống, tủy sống: Thường để lại di chứng nặng nề;
- Bệnh lý mạch máu tủy gồm có:
- Nhũn tủy do hẹp động mạch, xơ vữa hay tắc, dị dạng mạch máu gây thiếu máu cục bộ;
- Chảy máu tủy do chấn thương hoặc u mạch;
- Tụ máu ngoài màng cứng tủy do chấn thương hay dùng thuốc chống đông.
- Liệt do rối loạn chuyển hóa và rối loạn thần kinh chức năng:
- Liệt chu kỳ do rối loạn chuyển hóa kali máu (bệnh Westphal): Gặp ở người trẻ tuổi với tình trạng đau nhức rồi liệt nhanh hai chân về phía gốc chi;
- Rối loạn phân ly: nguyên nhân thường do tâm lý, liệt đột ngột và không có dấu hiệu thực thể về thần kinh, chữa bằng liệu pháp tâm lý.
Các bệnh tủy hiếm gặp hơn có thể là xơ cứng rải rác hoặc xơ cứng cột bên teo cơ (bệnh Charcot).
Nguyên nhân do não hiếm gặp như u liềm não, chấn thương vùng đỉnh hoặc cạnh xoang tĩnh mạch dọc trên..