Giỏ hàng 0-SP

Hở van tim 2 lá

Hở van tim 2 lá là một bệnh lý tim mạch khá thường gặp, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu biết về căn bệnh này. Bài viết này sẽ làm rõ các thông tin về hở van tim 2 lá là bệnh gì, nguyên nhân do đâu, các triệu chứng và cách phát hiện căn bệnh này.

1. Bệnh hở van tim 2 lá là bệnh gì?

 

Hở van 2 lá là tình trạng van 2 lá - một trong số các van tim - bị hở, gây ảnh hưởng tới sự di chuyển của dòng máu trong tim, cụ thể nó làm cho máu chảy từ tâm thất về tâm nhĩ trái trong thì tâm thu. Do van 2 lá nối liền tâm nhĩ trái và tâm thất trái, bình thường van 2 lá sẽ mở trong thì tâm trương để máu từ tâm nhĩ trái chảy xuống tâm thất trái và đóng lại trong thì tâm thu để ngăn không cho dòng máu đi ngược từ tâm thất lên tâm nhĩ bên trái.

2. Nguyên nhân hở van 2 lá

 

Van 2 lá có cấu trúc bao gồm vòng van, lá van, dây chằng và cột cơ. Khi có bất thường xảy ra do bất kỳ thành phần nào trong cấu trúc trên bị tổn thương đều có thể dẫn đến hở van 2 lá.

đau tức ngực giữa
Có nhiều nguyên nhân gây ra hở van tim 2 lá

2.1. Do các bệnh lý lá van

 

  • Do di chứng thấp tim gây xơ hóa, dày, vôi hay co rút lá van.
  • Do thoái hóa nhầy: thường kèm theo tình trạng di động quá mức như võng, sa van.
  • Do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn làm thủng lá van, hay làm cho lá van co rút.
  • Bị phình lá van do hở van động mạch chủ (do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn gây ra) tác động lên van 2 lá.
  • Do thoái hóa xơ vữa.
  • Do bệnh cơ tim phì đại khiến cho van 2 lá di động ra trước trong kỳ tâm thu.
  • Bệnh bẩm sinh:
    • Bệnh nhân bị xẻ van 2 lá đơn thuần hoặc phối hợp, còn gọi là thông sàn nhĩ thất.
    • Do van 2 lá có hai lỗ van.

2.2. Do các bệnh lý vòng van 2 lá

 

  • Do dãn vòng van: bệnh nhân bị dãn thất trái do bệnh cơ tim dãn, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Do vôi hóa vòng van:
    • Do thoái hóa ở người già, có thể được thúc đẩy do bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận.
    • Do bệnh tim do thấp, hội chứng Hurler, hội chứng Marfan.

2.3. Do các bệnh lý dây chằng

 

  • Do thoái hóa dây chằng gây đứt dây chằng.
  • Do di chứng thấp tim gây dày, dính, vôi hóa dây chằng.

2.4. Do các bệnh lý cột cơ

 

  • Do nhồi máu cơ tim gây đứt cột cơ nhú.
  • Do rối loạn hoạt động cơ nhú:
    • Do thiếu máu cơ tim.
    • Do bệnh lý thâm nhiễm cơ tim như: sarcoid, amyloid.

2.5. Do bẩm sinh

 

  • Dị dạng.
  • Van hình dù.

3. Triệu chứng hở van 2 lá

 

Với những trường hợp hở van hai lá nhẹ hoặc vừa, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì. Thậm chí với những trường hợp hở van hai lá nặng, trong giai đoạn đầu bệnh nhân cũng không có triệu chứng gì cho đến khi dẫn tới suy tim trái, rối loạn nhịp hay tăng áp lực động mạch phổi, khi đó bệnh nhân mới có các triệu chứng.

3.1. Triệu chứng cơ năng

 

Với bệnh nhân bị hở van 2 lá cấp có các triệu chứng của tình trạng phù phổi như khó thở khi nghỉ, khi nằm, hoặc tình trạng sốc tim do giảm thể tích tống máu.

Với các bệnh nhân bị hở van 2 lá mạn sẽ có các triệu chứng sau:

  • Bệnh nhân thường không có triệu chứng cơ năng gì trong nhiều năm ngoại trừ một tiếng thổi ở tim.
  • Trong đợt tiến triển, bệnh nhân có triệu chứng khó thở khi gắng sức cho tới khó thở khi nằm và cơn khó thở kịch phát về đêm.
  • Về sau bệnh nhân có triệu chứng suy tim trái cũng giống như các triệu chứng suy tim phải do tình trạng tăng áp động mạch phổi.
  • Bệnh nhân có thể bị loạn nhịp hoàn toàn (rung nhĩ): đây thường là hậu quả của tình trạng dãn nhĩ trái.
  • Bệnh nhân cảm giác mệt do giảm thể tích tống máu và giảm cung lượng tim.

3.2. Triệu chứng thực thể

 

Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể phát hiện các triệu chứng thực thể sau:

  • Khi sờ tim, thấy mỏm tim đập mạnh và ngắn khi chức năng thất trái còn tốt. Mỏm tim sẽ lệch sang trái khi tâm thất trái bị dãn.
  • Khi nghe tim thấy:
    • Tiếng tim có các đặc điểm sau: tiếng T1 thường mờ, cũng có khi bình thường. Tiếng T2 thường tách đôi rộng, mạnh khi có tăng áp động mạch phổi. Có thể xuất hiện tiếng tim T3 khi có hiện tượng tăng dòng chảy tâm trương. Có một số trường hợp có thể nghe thấy tiếng T4, đặc biệt trong đợt hở van 2 lá cấp.
    • Tiếng thổi tâm thu: xuất hiện trong toàn thì tâm thu, âm sắc cao, nghe rõ nhất ở mỏm tim, lan ra nách. Nếu áp lực nhĩ trái tăng quá cao sẽ không còn nghe rõ tiếng này nữa.
  • Trong trường hợp bệnh đã dẫn tới suy tim trái và suy tim phải, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như tĩnh mạch cổ nổi, gan to, cổ trướng và phù chi dưới.

4. Phát hiện hở van tim 2 lá như thế nào?

4.1. Điện tim (điện tâm đồ)

 

Trên kết quả điện tâm đồ cho thấy các dấu hiệu không đặc hiệu như:

  • Dày nhĩ trái.
  • Dày thất trái.
  • Rung nhĩ.

4.2. Chụp X - quang ngực

 

Trên phim chụp X-quang ngực có thể thấy các hình ảnh sau:

  • Hình ảnh dãn thất trái và nhĩ trái trong trường hợp hở van 2 lá mạn tính.
  • Hình ảnh phù khoảng kẽ và phù nề nang trong trường hợp hở van 2 lá cấp, hay trường hợp suy thất trái nặng.

4.3. Siêu âm Doppler tim

 

  • Siêu âm Doppler màu: thấy hình ảnh dòng máu phụt ngược về nhĩ trái, giúp chẩn đoán hở van tim 2 lá. Ngoài ra, siêu âm Doppler màu còn cho biết nhiều thông số để chẩn đoán mức độ bệnh như là:
    • Diện tính và độ rộng của dòng máu phụt ngược.
    • Cường độ phổ Doppler liên tục.
    • Vận tốc tối đa của dòng chảy qua van 2 lá.
    • Diện tích hở hiệu dụng và thể tích dòng hở.

Độ hở của van 2 lá có thể ước tính thông qua sự lan của dòng máu phụt ngược vào nhĩ trái, đây là cách tính thông thường.

  • Siêu âm Doppler xung: giúp đánh giá mức độ hở van 2 lá khi sử dụng cửa sổ Doppler để xác định mức độ lan rộng của dòng máu phụt ngược vào nhĩ trái.
  • Siêu âm tim qua thành ngực còn có thể giúp đánh giá:
    • Đánh giá nguyên nhân gây hở van 2 lá.
    • Tình trạng vôi hóa của vòng van, lá van.
    • Sự di động của các lá van.
    • Đánh giá sự ảnh hưởng của tình trạng hở van 2 lá tới các buồng tim: đánh giá kích thước, chức năng của các buồng tim.

Có thể thấy siêu âm hở van 2 lá bằng kỹ thuật Siêu âm Doppler tim có vai trò rất quan trọng, được sử dụng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ hở van tim 2 lá. Trong trường hợp siêu âm tim qua thành ngực không cho hình ảnh rõ ràng, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp siêu âm qua thực quản giúp quan sát van hai lá gần hơn, đánh giá chính xác hơn.

4.4. Thông tim và chụp mạch

 

Phương pháp chụp buồng tim và khảo sát huyết động cần làm trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp các biện pháp cận lâm sàng không xâm nhập không thể kết luận được về độ nặng của tình trạng hở van 2 lá, chức năng thất trái....
  • Trường hợp không có sự tương đồng giữa các triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng không xâm nhập về độ nặng của tình trạng hở van.

Biện pháp chụp mạch vành được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp nghi ngờ thiếu máu cơ tim cục bộ là nguyên nhân gây hở van 2 lá.
  • Trường hợp dự định phẫu thuật van 2 lá cho bệnh nhân có cơn đau thắt ngực hoặc bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim.
  • Trường hợp dự định phẫu thuật van 2 lá cho bệnh nhân có 1 yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành như là:
    • Tuổi cao.
    • Rối loạn mỡ máu.
    • Tăng huyết áp.
    • Bệnh nhân nam > 40 tuổi và nữ > 50 tuổi, dù không có triệu chứng hay yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng nên chụp động mạch vành trước khi mổ.