Hở van ba lá
1. Hở van 3 lá 1⁄4 là gì?
Bệnh tim hở van 3 lá 1/4 là một trong những rối loạn hoạt động của van tim, trong đó van 3 lá không đóng đủ chặt, dẫn tới máu chảy ngược vào buồng tâm nhĩ khi tâm thất co bóp thay vì lên phổi. Hở van tim 3 lá được chia theo mức độ từ nhẹ đến nặng thành 4 mức độ bao gồm:
- Hở van tim 3 lá 1/4
- Hở van tim 3 lá 2/4
- Hở van 3 lá 3/4
- Hở van 3 lá 4/4
Trong đó, bệnh tim hở van 3 lá 1/4 ở mức độ hở nhẹ nhất, có thể đó chỉ là hở sinh lý nhưng cũng có thể là hở bệnh lý nếu có đi kèm những triệu chứng như: mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực,...
2. Nguyên nhân gây ra bệnh tim hở van 3 lá 1/4
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tim hở van 3 lá 1/4 là do sự giãn nở bất thường của tâm thất phải, bị gây ra bởi những bệnh lý như: bệnh cơ tim giãn, suy tim trái, tăng áp động mạch phổi, hẹp van động mạch phổi,...
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác mà người bệnh có thể gặp phải như:
- Viêm nội tâm mạc do nhiễm khuẩn
- Hội chứng Marfan
- Bệnh tim bẩm sinh Ebstein
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Bệnh lý thấp khớp, viêm khớp dạng thấp
- Do tác dụng phụ của một số thuốc
3. Triệu chứng bệnh tim hở van 3 lá 1/4
Đa số những trường hợp mắc bệnh tim hở van 3 lá 1/4 sẽ không có triệu chứng. Tuy nhiên, tình trạng bệnh có thể nặng nếu gặp những triệu chứng sau đây:
- Giảm khả năng gắng sức, khó thở, mệt mỏi
- Rối loạn nhịp tim: thường là rối loạn nhịp tim nhanh gây ra cảm giác hồi hộp, lo lắng, và đánh trống ngực,...
- Tĩnh mạch cổ đập mạnh
- Van 3 lá hở nặng lâu ngày, nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến suy tim.
4. Điều trị bệnh tim hở van 3 lá 1/4
Đa số hở van tim 3 lá 1/4 nặng lên là do tác động của bệnh tim mạch khác gây nên, vì vậy ưu tiên việc điều trị nguyên nhân gây hở van 3 lá:
4.1 Thay đổi lối sống lành mạnh
Để ngăn chặn bệnh tiến triển, cần thay đổi lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe và tim mạch:
- Ăn uống tốt cho tim: cần ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt và chất đạm từ thực vật, từ cá. Hãy tránh chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường, muối và ngũ cốc tinh chế.
- Tập thể dục phù hợp: Tốt nhất là nên tập với cường độ nhẹ và tăng dần theo thời gian, duy trì thường xuyên ít nhất 5 buổi/tuần. Những bài tập được khuyến khích bao gồm: đi bộ, tập dưỡng sinh, chạy bộ, và bơi lội,...
4.2 Ngăn ngừa nhiễm khuẩn nội tâm mạc
Viêm nội tâm mạc là một biến chứng nhiễm trùng tim nguy hiểm, mà những bệnh nhân hở van tim 3 lá 1/4 có nguy cơ cao gặp phải. Để phòng ngừa nhiễm khuẩn nội tâm mạc, người bệnh cần chăm sóc tốt răng miệng và vệ sinh sau khi ăn uống.
Nên sử dụng kháng sinh để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn trước bất kỳ thủ thuật hoặc phẫu thuật nào đó, theo chỉ định của bác sĩ. Báo ngay với bác sĩ nếu đang có dấu hiệu mắc các bệnh nhiễm trùng như đau họng, sốt, mệt mỏi,...
Tùy thuộc vào vào tình trạng bệnh cụ thể của mỗi bệnh nhân, mà các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp. Một số nhóm thuốc có thể được dùng như: thuốc chống đông nếu có rung nhĩ, thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị rối loạn nhịp tim,...
Sử dụng thuốc không làm van tim hết hở, nhưng sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng bệnh, ngăn ngừa hở van tim gây suy tim tiến triển. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc, giảm liều, bỏ liều khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Đối với những trường hợp hở van 3 lá ít khi cần phải thay van, trừ trường hợp hở van nguyên phát nặng không đáp ứng được với thuốc điều trị, hoặc trước đó đã có can thiệp sửa giãn vòng van những bệnh không được cải thiện.
Tóm lại, bệnh tim hở van 3 lá 1⁄4 là mức độ nhẹ của bệnh, hở van 3 lá có thể do bẩm sinh hoặc do bệnh lý. Tuy nhiên, nếu hở van tim 3 lá 1⁄4 do bệnh lý và kèm theo những triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, mệt mỏi,... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, tránh những biến chứng xảy ra.