Giỏ hàng 0-SP

Hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ sẽ làm cản trở sự lưu thông của dòng máu chứa oxy và dưỡng chất tới các bộ phận trong cơ thể. Đây là 1 trong 4 loại bệnh van tim thường gặp nhất và có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Động mạch chủ là gì? Hẹp van động mạch chủ là gì?

 

Động mạch chủ (ĐMC) là động mạch lớn nhất trong cơ thể đưa máu từ tim đi nuôi toàn bộ cơ thể; là phần động mạch chủ nằm ở ngực, phía trước cột sống, cấp máu cho tim, não, đầu cổ, cột sống. Kích thước bình thường của động mạch chủ ngực tăng dần cùng với tuổi bệnh nhân và nằm trong khoảng từ 2 - 3,5 cm.

Van ĐMC là lá van ngăn cách giữa ĐMC và tâm thất trái, có nhiệm vụ đóng trong thời kỳ tâm trương ngăn không cho máu đổ ngược từ ĐMC về thất trái và mở trong thời kỳ tâm thu để bơm máu từ tâm thất trái lên động mạch chủ vào hệ tuần hoàn. Nếu trong trường hợp van bị tổn thương vì bất cứ lý do gì sẽ dẫn đến tình trạng đóng không kín trong thời kỳ tâm trương gây hở van ĐMC, van không mở hết trong thời kỳ tâm thu gây hẹp van ĐMC.

Hẹp van động mạch chủ (HC) là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tống máu của thất trái. Các nguyên nhân khác bao gồm hẹp dưới van động mạch chủ do màng xơ, hẹp dưới van động mạch chủ do cơ tim phì đại và hẹp trên van động mạch chủ. Đây là căn bệnh phổ biến nhất về van tim, chiếm 1/4 số ca mắc bệnh về van tim với 80% các bệnh nhân hẹp van động mạch chủ là nam giới.

2. Nguyên nhân hẹp van động mạch chủ

 

Một số nguyên nhân chính gây ra bệnh hẹp van động mạch chủ

  • Hẹp van động mạch chủ bẩm sinh: Do cấu tạo bất thường của van tim từ khi mới sinh ra như van 2 lá (chiếm 1 - 2% dân số), chủ yếu ở nam giới. Những người bị dính lá van, van một cánh... Theo thời gian van động mạch chủ thường thoái hóa và vôi hóa sớm hơn người thường.
  • Hẹp van tim do thoái hóa và vôi hóa (thường gặp nhiều nhất ở người cao tuổi, phổ biến nhất 70 - 80 tuổi). Tuổi thọ tăng dần sẽ làm cho van động mạch chủ bị vô hóa, các mảng cholesterol đóng ở van tim, gây ra nhiều vấn đề về tim mạch trong đó có hẹp van động mạch chủ.
  • Do thấp tim: Thấp tim kèm theo bệnh van 2 lá, thấp tim gây xơ hóa, vôi hóa, dính các lá van và mép van của động mạch chủ, dày bờ lá van.

3. Các triệu chứng của hẹp van động mạch chủ

 

3.1. Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng này thường chỉ xuất hiện khi hẹp van động mạch chủ mức độ nặng

  • Đau ngực: Khi nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim tăng lên, cơ tim suy yếu dần do phải tăng cường bơm máu qua van tim hẹp sau thời gian dài. Đau ngực do xơ vữa mạch vành.
  • Choáng váng, ngất: Triệu chứng này xảy ra do tắc nghẽn cố định đường tống máu từ thất trái, giảm khả năng tăng cung lượng tim. Người bệnh có thể bị tụt huyết áp nặng dẫn đến choáng váng hoặc ngất.
  • Suy tim: Do rối loạn chức năng tâm thu hoặc chức năng tâm trương. Xơ hóa tim dẫn đến giảm co bóp của tim. Các cơ chế bù trừ nhằm tăng thể tích lòng mạch sẽ làm tăng áp lực thất trái, tăng áp lực mao mạch phổi gây ứ huyết phổi.

3.2. Triệu chứng thực thể

- Bắt mạch: Triệu chứng nổi bật là mạch cảnh nẩy yếu đến chậm

- Sờ thấy rung miu tâm thu ở khoang liên sườn II bên phải. Ngoài ra còn có thể sờ thấy mỏm tim đập rộng, lan tỏa nếu thất trái phì đại.

- Nghe tim: Các tiếng bệnh lý chính gồm

  • Thổi tâm thu tống máu ở phía trên bên phải xương ức, lan lên cổ và đạt cường độ cao nhất vào đầu - giữa tâm thu. Mức độ hẹp van động mạch chủ càng nặng thì tiếng thổi càng dài, mạnh hơn và đạt cực đại chậm hơn.
  • Tiếng T1 và T2 không thay đổi khi hẹp van động mạch chủ
  • Tiếng T3 là dấu hiệu chức năng tâm thu thất trái bị kém.
  • Tiếng T4 xuất hiện do nhĩ trái co bóp tống máu vào buồng thất trái có độ dãn kém khi hẹp van động mạch chủ khít.
  • Ngoài ra, còn có thể gặp các tiếng thổi của hở van động mạch chủ do hẹp thường đi kèm hở van.
  • Nhịp tim nhanh lúc nghỉ ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng là một trong các dấu hiệu đầu tiên khi cung lượng tim giảm thấp.
Đau thắt ngực không ổn định
Đau ngực thường chỉ xuất hiện khi hẹp van động mạch chủ mức độ nặng

4. Biến chứng nguy hiểm của hẹp van động mạch chủ

 

Hẹp van tim có nguy hiểm không là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi không may bị hẹp van động mạch chủ.

Hẹp van động mạch chủ có nhiều biến chứng nguy hiểm khi tiến triển đến giai đoạn nặng

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Rối loạn nhịp thất: Ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất
  • Rối loạn nhịp nhĩ: Rung nhĩ hay gây ra các đợt suy tim cấp do mất cơ chế bóp bù của tâm nhĩ, giảm lưu lượng nhĩ - thất, giảm cung lượng tim
  • Đột tử
  • Tắc mạch do các mảnh vôi hóa, xơ vữa, mảnh sùi...
  • Hội chứng mạch vành cấp.

Bệnh thường diễn biến âm thầm nhiều năm trước khi có triệu chứng rõ rệt. Nguy cơ tử vong cao với những triệu chứng

  • Đau tức ngực: Tỷ lệ sống chỉ còn 50% sau 5 năm.
  • Ngất, choáng váng: Tỷ lệ sống chỉ còn 50% sau 3 năm.
  • Suy tim: Thời gian sống còn dưới 2 năm.

Để phòng ngừa bệnh hẹp van tim, bạn cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần, có lối sống khoa học và lành mạnh. Khi được chẩn đoán hẹp van động mạch chủ, bạn cần có quá trình điều trị đúng theo lời khuyên của bác sĩ tại những địa chỉ y tế uy tín.