Giỏ hàng 0-SP

Đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng mù lòa trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở người cao tuổi. Cách điều trị bệnh đục thủy tinh thể có hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật. Tuy nhiên, có không ít bệnh nhân phẫu thuật muộn, dễ dẫn tới nhiều biến chứng.

1. Như thế nào gọi là đục thủy tinh thể?

 

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt ở bên trong mắt. Thủy tinh thể có những vai trò quan trọng sau đây:

  • Thủy tinh thể có khả năng điều tiết giúp mắt có thể nhìn được các vật ở những khoảng cách gần, xa. Tuy nhiên khả năng này được đảm bảo khi nó còn trong suốt, độ dày và các mặt cong của nó còn nằm trong giới hạn sinh lý.
  • Thủy tinh thể có chức năng lọc tia tử ngoại - một loại tia có hại, có trong phổ bức xạ của mặt trời.

Đục thủy tinh thể là tình trạng phân tử protein không hòa tan mà bị tích tụ trong thủy tinh thể theo thời gian làm cho tính trong suốt của nó không còn nữa. Tình trạng này được coi là đáng kể khi nó làm giảm thị lực xuống còn dưới 3/10.

Đục thủy tinh thể là căn bệnh gây ra bởi quá trình lão hóa của cơ thể, cho nên có người bị trước, có người bị sau. Và tất cả những người trên 50 tuổi đều có nguy cơ bị đục thủy tinh thể.

Tùy theo từng loại đục thủy tinh thể mà mắt sẽ mờ chậm hay mờ nhanh.

  • Trường hợp đục thủy tinh thể vùng nhân tuổi già : mắt bệnh nhân chỉ bị mờ dần, khi đi ra ngoài nắng không bị chói mắt, thậm chí thị lực chưa giảm nhiều. Tuy nhiên, khi phẫu thuật thì thấy thủy tinh thể đã đến giai đoạn quá già. Song, các trường hợp này cũng khó thuyết phục thay thủy tinh thể hơn, bởi người bệnh cho rằng mắt họ vẫn nhìn thấy nên chưa phải phẫu thuật.
  • Trường hợp đục thủy tinh thể bệnh lý hoặc do chấn thương: mắt của bệnh nhân sẽ mờ đi rất nhanh và khi ra ngoài nắng sẽ bị chói mắt, mắt rất khó chịu, không thể đi xe được. Vì vậy mà bệnh nhân dễ phát hiện và thường chấp nhận mổ sớm hơn.
mo-phaco-mat-1
Hình ảnh đục thủy tinh thể

2. Các biến chứng của bệnh đục thủy tinh thể

 

Khi bị đục thủy tinh thể, thể thủy tinh càng ngày càng bị đục nhiều, đến khi thủy tinh thể quá chín sẽ bị gây biến chứng có thể gây tăng nhãn áp và có thể bị vỡ bao, lúc đó protein của thủy tinh thể trở thành vật thể lạ với cơ thể, sẽ bị cơ thể tấn công gây phản ứng viêm màng bồ đào.

Ngoài ra, trong quá trình thủy tinh thể quá chín sẽ bị ngấm nước và phồng lên, gây mất chức năng, không thể điều tiết thể dịch được nữa, gây tăng nhãn áp (bệnh Glôcôm), khi đó bệnh nhân bị đau nhức đầu dữ dội. Tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến thần kinh mắt, làm teo thần kinh mắt không phục hồi. Đến lúc này, thì dù bác sĩ phẫu thuật có tốt đến đâu thì khả năng thị lực hồi phục cũng kém, thậm chí không thể nhìn được nữa.

Khi thủy tinh thể đục quá cứng thì trong mắt sẽ có những phản ứng viêm, đồng tử bị dính lại, mắt thoái hóa, môi trường trong suốt bị đục hết khiến cho phẫu thuật khó khăn hơn và dễ tổn thương đến các vùng xung quanh.

Chính vì vậy, bệnh nhân bị đục thủy tinh thể nên mổ càng sớm càng tốt, để tránh các biến chứng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bệnh cho rằng khi nào mắt không nhìn thấy đường nữa mới đi phẫu thuật. Nhưng thực tế cho thấy nếu để đến mức đó mới quyết định thay thủy tinh thể thì phẫu thuật sẽ khó khăn và tiên lượng thường kém hơn, bởi tỉ lệ xảy ra tai biến trong lúc mổ cao hơn so với phẫu thuật vào thời điểm sớm và thuận lợi hơn.